THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
89
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
331K

Cắt vạt dạ dày (Sleeve Gastrectomy)

Phương Nga

Tích Cực
Phẫu thuật giảm cân bằng kỹ thuật cắt vạt dạ dày giúp giảm 40 đến 70% trọng lượng thừa trong năm đầu tiên

Cắt vạt dạ dày là gì?​


Cắt vạt dạ dày là một phương pháp phẫu thuật giảm cân bằng cách cắt bỏ khoảng 70 – 80% dạ dày, để lại một dạ dày mới hình ống hẹp có kích thước tương tự như một quả chuối. Sau đó, bạn sẽ thấy nhanh no hơn và từ đó giảm được lượng thực phẩm nạp vào. Tiêu thụ thực phẩm ít hơn có nghĩa là lượng calo hấp thụ thấp hơn và từ đó dẫn đến giảm cân. Tùy thuộc vào cân nặng trước phẫu thuật mà bệnh nhân có thể giảm từ 40% đến 70% trọng lượng thừa của cơ thể trong vòng một năm đầu tiên sau phẫu thuật.

Sau phẫu thuật cắt vạt dạ dày, dạ dày vẫn tạo ra axit tiêu hóa nhưng không còn phân hủy và xử lý thức ăn theo cách giống như trước nữa. Điều này làm cho thức ăn còn nguyên vẹn hơn khi đi vào ruột và giữ cho bạn no lâu hơn sau bữa ăn.

Đây là phương pháp phẫu thuật không thể đảo ngược. Có nghĩa là khi một phần dạ dày bị cắt bỏ thì sẽ không thể khôi phục lại như cũ được nữa. Tuy nhiên, 10 - 20% bệnh nhân vẫn tăng cân lại gần như trước đây sau khi phẫu thuật cắt vạt dạ dày.

Ưu và nhược điểm của cắt vạt dạ dày​

Ưu điểm​

  • Cắt vạt dạ dày giúp giảm một số cân nặng đáng kể, ngay cả khi các phương pháp giảm cân khác đều không hiệu quả.
  • Sau khi cắt vạt dạ dày, rất nhiều người cảm thấy bớt thèm ăn hơn rất nhiều. Việc cắt bỏ phần đáy vị, phần hình vòm nằm gần đỉnh của dạ dày, làm giảm nồng độ ghrelin - một loại hormone tạo cảm giác thèm ăn. Ghrelin còn góp phần làm tăng lượng đường trong máu, vì vậy những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ cần dùng thuốc ít hơn sau khi phẫu thuật cắt vạt dạ dày do lượng ghrelin giảm.
  • Một khi giảm cân, các vấn đề sức khỏe như tiểu đường hoặc cao huyết áp cũng được cải thiện.
  • Cắt vạt dạ dày ít xâm lấn hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn so với phẫu thuật nối tắt dạ dày.

Nhược điểm​

  • Cắt vạt dạ dày được xếp vào nhóm đại phẫu nên có đi kèm với một số rủi ro và biến chứng.
  • Một khi đã phẫu thuật cắt dạ dày thì sẽ không thể phục hồi lại dạ dày như cũ nữa nhưng kết quả giảm cân không phải lúc nào cũng duy trì được vĩnh viễn nếu như không thay đổi lối sống và chế độ ăn sau phẫu thuật. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy rằng sau 5 năm, 38% bệnh nhân đã không giảm hoặc giữ được cân nặng mà họ có được sau phẫu thuật.
  • Thường sẽ có da thừa sau khi phẫu thuật giảm cân và cần phẫu thuật cắt bỏ.
  • Khoảng 20% những người từng phẫu thuật cắt vạt dạ dày bị trào ngược axit. Đôi khi, tình trạng trào ngược nghiêm trọng đến mức bệnh nhân phải phẫu thuật nối tắt dạ dày.

Cắt vạt dạ dày dành cho đối tượng nào?​


Cắt vạt dạ dày phù hợp cho những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) ít nhất là 30 và còn mắc ít nhất một vấn đề sức khỏe liên quan đến thừa cân, béo phì như tiểu đường, cao huyết áp hoặc ngưng thở khi ngủ.

Trước đây, chỉ những người có chỉ số BMI từ 35 đến 39 và đồng thời mắc một vấn đề sức khỏe liên quan đến thừa cân hoặc nếu không mắc phải vấn đề sức khỏe nào liên quan đến thừa cân nhưng chỉ số BMI từ 40 trở lên thì mới có thể phẫu thuật cắt vạt dạ dày. Tuy nhiên, hiện nay những người có chỉ số BMI trong khoảng từ 30 đến 35 vẫn có thể làm phẫu thuật.

So sánh cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày​


Cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày đều là hai phương pháp phẫu thuật giảm cân. Phương pháp nối tắt dạ dày cho hiệu quả giảm cân cao hơn một chút so với cắt vạt dạ dày nhưng lại có nhược điểm là tỷ lệ biến chứng cao gần gấp đôi so với cắt vạt dạ dày.

So với phẫu thuật nối tắt dạ dày, cắt vạt dạ dày ít xâm lấn hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn.

Bởi vì phương pháp cắt vạt dạ dày không đưa thức ăn thẳng từ dạ dày xuống phần dưới của ruột non (bỏ qua phần đầu) như nối tắt dạ dày nên không làm giảm sự hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm và nhờ đó mà không gây thiếu chất.

Quy trình thực hiện​


Hiện nay, quy trình phẫu thuật cắt vạt dạ dày được thực hiện với kỹ thuật nội soi và gây mê toàn thân, có nghĩa là bạn sẽ không còn nhận thức trong suốt ca mổ.

Bác sĩ sẽ tạo từ 4 đến 5 vết mổ nhỏ ở bụng trên và sau đó đưa ống nội soi có gắn camera vào để quan sát bên trong, đồng thời tạo thêm các vết mổ khác để đưa dụng cụ phẫu thuật. Ống nong – loại ống dài được dùng trong phẫu thuật - được đưa vào dạ dày với vai trò “thước đo” kích thước dạ dày mới để bác sĩ xác định được phần dạ dày cần giữ lại.

Sau đó, bác sĩ phẫu thuật dùng ghim bấm để chia và đóng kín phần dạ dày mới (một túi dạ dày hình ống dài). Phần dạ dày lớn hơn còn lại được cắt bỏ.

Khi hoàn thành, ống nội soi cùng với dụng cụ phẫu thuật được lấy ra và các vết mổ được đóng lại. Toàn bộ quá trình thường mất khoảng 30 đến 45 phút nhưng trong những trường hợp bị thoát vị hoành thì thường mất thêm khoảng 15 đến 20 phút.

Quá trình hồi phục​


Hầu hết mọi người đều có thể xuất viện về nhà sau từ một đến hai ngày sau ca phẫu thuật. Vào ngày đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy đau nhưng từ ngày tiếp theo thì sẽ đỡ hơn và có thể đứng lên đi lại được.

Thường sẽ cần nghỉ ngơi ở nhà trong 1 - 2 tuần và tránh các hoạt động nặng trong thời gian chờ hồi phục. Có thể hoạt động trở lại bình thường, bao gồm cả tập thể dục nhẹ, sau khoảng 10 ngày nhưng tránh nâng vật nặng trong khoảng 2 đến 3 tuần sau phẫu thuật. Tuy nhiên, mỗi người là khác nhau nên hãy lắng nghe cơ thể mình, nếu cảm thấy đau khi vận động thì cần ngừng lại ngay và nghỉ ngơi thêm.

Những thực phẩm cần tránh sau khi cắt vạt dạ dày?​


Sau phẫu thuật, bạn cần duy trì chế độ ăn chỉ có các món lỏng, không đường trong 1 đến 2 tuần đầu tiên. Sau đó có thể chuyển sang các món xay nhuyễn trong 2 đến 3 tuần. Sau 1 tháng thì có thể trở lại chế độ ăn bình thường nhưng cần ăn thành nhiều bữa nhỏ. Nên bổ sung vitamin tổng hợp hàng ngày, canxi và vitamin D.

Mặc dù cắt vạt dạ dày làm giảm lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày nhưng loại thực phẩm mà bạn ăn lại tùy thuộc vào bạn. Nên hạn chế các loại thực phẩm có nhiều đường và chất béo cũng như là các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời bổ sung nhiều protein, trái cây và rau xanh vào chế độ ăn uống hàng ngày. Nếu không thể thay đổi được thói quen ăn uống thì bạn sẽ rất dễ tăng cân trở lại.

Phẫu thuật cắt vạt dạ dày có an toàn không?​


Nói chung, cắt vạt dạ dày là một phương pháp phẫu thuật rất an toàn. Tất nhiên, mọi ca phẫu thuật đều ẩn chứa rủi ro nhưng tỷ lệ rủi ro của phương pháp cắt vạt dạ dày ở mức rất thấp trong khi lợi ích về mặt sức khỏe của phương pháp này lại cao hơn nhiều.

Các vấn đề có thể xảy ra sau khi cắt vạt dạ dày là buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và trào ngược axit. Nguyên nhân là do dạ dày bị thu hẹp lại nên áp lực bên trong sẽ tăng lên. Các triệu chứng này thường xảy ra trong thời gian đầu sau phẫu thuật và sẽ cải thiện theo thời gian. Trong thời gian đó có thể kiểm soát bằng thuốc chống nôn, ăn các bữa nhỏ và ăn chậm.

Khi nào sẽ bắt đầu thấy kết quả?​


Phương pháp cắt vạt dạ dày sẽ không đem lại sự thay đổi ngay lập tức nhưng bạn sẽ bắt đầu giảm cân rất nhanh. Trong vòng 6 đến 9 tháng, nhiều người đã giảm được phần lớn số cân nặng thừa.

Hầu hết mọi người đều giảm trung bình 4 kg mỗi tháng và đôi khi còn lên đến 10 kg, tùy thuộc vào cân nặng trước phẫu thuật và chế độ ăn uống, luyện tập. Thông thường, những người béo phì, nam giới và người trẻ tuổi là những đối tượng giảm được nhiều cân nhất trong những tuần đầu tiên.

Kết quả duy trì được bao lâu?​


Kết quả có được sau khi phẫu thuật cắt vạt dạ dày có thể là vĩnh viễn nhưng với điểu kiện bạn phải duy trì được chế độ ăn uống và tập luyện. Nếu không thì sẽ tăng cân trở lại mặc dù thường không đến mức trở về cân nặng như trước.

Các lựa chọn thay thế cho cắt vạt dạ dày​

  • Nối tắt dạ dày: ít được sử dụng hơn cắt vạt dạ dày. Giống như cắt vạt dạ dày, phương pháp nối tắt dạ dày cũng được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi. Đây cũng là một phương pháp phẫu thuật giảm cân rất hiệu quả có thể giải quyết các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nối tắt dạ dày cần thời gian hồi phục dài hơn và tỷ lệ biến chứng cao gấp đôi so với cắt vạt dạ dày. Phương pháp này thường đi kèm nguy cơ bị tắc ruột, thiếu hụt vitamin, loãng xương và thiếu máu. Ngoài ra, bạn sẽ không bao giờ được sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như aspirin hoặc Motrin sau khi nối tắt dạ dày để tránh bị viêm loét.
  • Thắt đai dạ dày cũng là một lựa chọn phẫu thuật giảm cân khác. Trong quy trình phẫu thuật này, một vòng tròn bằng silicon có thể điều chỉnh kích thước được đặt xung quanh phần trên cùng của dạ dày và tạo ra một túi dạ dày nhỏ ở bên trên. Khác với cắt vạt hay nối tắt dạ dày, thắt đai dạ dày không cần cắt dạ dày nên cơ quan này vẫn được giữ nguyên vẹn và có thể khôi phục lại như trước, hơn nữa cũng ít xâm lấn nhất trong số các phương pháp phẫu thuật giảm cân. Tuy nhiên, phương pháp này lại có tỷ lệ thành công thấp hơn so với phẫu thuật cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày. Số trường hợp cần phẫu thuật lại cũng cao hơn và mục đích thường là để tháo bỏ hoặc thay thế đai thắt. Thắt đai dạ dày có hiệu quả cao nhất đối với những người cần giảm khoảng 20 – 30kg. Nói chung, những người có chỉ số khối cơ thể BMI trên 40 nên chọn những phương pháp khác có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn phải cắt dạ dày thì thắt đai dạ dày là một lựa chọn phù hợp.
  • Phẫu thuật chuyển tá tràng: kết hợp cắt vạt dạ dày với nối tắt ruột. Phương pháp này thường dành cho những người thừa cân quá nhiều và được thực hiện thành ca phẫu thuật riêng biệt. Ca phẫu thuật đầu tiên là cắt vạt dạ dày và sau đó từ 9 đến 12 tháng sẽ tiến hành nối tắt ruột. Đây là một phương pháp phức tạp hơn, với nguy cơ biến chứng cao hơn các phương pháp khác.

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Xem tiếp...
 
Top Bottom