Phạm Phương Liên
Fan Cứng
Sơn La có trung tâm hành chính là thành phố Sơn La, cách trung tâm Hà Nội khoảng 310 km, giáp các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên và Thanh Hóa. Tỉnh cũng còn có đường biên giới dài 250 km với tỉnh Huaphanh của Lào, có ba cửa khẩu quốc tế là Chiềng Khương, Lóng Sập và Nà Cài.
Nằm ở độ cao trung bình 600-700 m so với mặt biển, với cao nguyên Mộc Châu và Sơn La, sông Mã và sông Đà, Sơn La mang đặc trưng của khí hậu miền Bắc, với mùa đông lạnh khô, mùa hè nóng ẩm. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9.
Sơn La nằm trong khu vực ít chịu ảnh hưởng của gió bão nhưng nằm liền các dãy núi cao trung bình chạy dọc biên giới Việt - Lào nên trong tháng 3 và 4, Sơn La chịu ảnh hưởng của hiệu ứng phơn nên có gió Lào khô, nóng, thời tiết tương đối khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 22 độ C, cao nhất khoảng 35 độ C, thấp nhất khoảng 3 độ C.
Di chuyển
Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc di chuyển đến Sơn La bằng đường bộ thông qua Quốc lộ 6, Quốc lộ 37 hoặc CT05 (Cao tốc Nội Bài - Lào Cai) rồi vào Quốc lộ 37. Thời gian di chuyển khoảng 6 tiếng 30 phút. Ngoài xe ôtô cá nhân, du khách có thể đi xe khách giường nằm hoặc ngồi và xe limousine, xuất phát từ bến Mỹ Đình hoặc Yên Nghĩa, giá vé dao động từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng.
Sơn La không có sân bay. Sân bay gần nhất là Điện Biên, cách trung tâm thành phố Sơn La gần 170 km. Thời gian di chuyển từ sân bay Điện Biên về Sơn La khoảng 3 tiếng.
Lưu trú
Ngoài lượng lớn phòng nghỉ tại Tà Xùa và Mộc Châu, khách sạn ở Sơn La chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm thành phố.
Du khách có thể tham khảo các khách sạn cao cấp như Mường Thanh, Hoa Ban Trắng có giá từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một đêm. Các khách sạn 2-3 sao gồm có Galaxy Grand, Hoàng Gia Hotel, Hoàng Sơn, Hoa Hồng có giá dao động 300.000 đồng đến 500.000 đồng một đêm. Ngoài ra còn có các nhà nghỉ và homestay với giá trên dưới 200.000 đồng một phòng.
Tham quan
Cao nguyên Mộc Châu
Mộc Châu là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất miền Bắc, mang vẻ đẹp thiên nhiên trong lành, mỗi mùa đều có đặc trưng riêng.
Đến Mộc Châu dịp đầu năm là khi các loài hoa mơ, mận, đào khoe sắc rực rỡ. Vùng cao nguyên này còn là điểm đến để hái các loại quả như hồng, dâu tây, mơ, mận, đào. Hoa dã quỳ sẽ bung nở vàng rực vào khoảng tháng 10, trước khi đến mùa hoa cải. Ngoài ra, Mộc Châu còn có những đồi chè bạt ngàn, rừng thông Bản Áng, thác Dải Yếm, Chiềng Khoa, Nàng Tiên. Với những du khách thích vận động, trekking đến làng Nguyên Thủy, đỉnh Pha Luông sẽ là lựa chọn thích hợp.
>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Mộc Châu
Di tích Nhà tù Sơn La
Nhà tù Sơn La nằm trên đồi Khau Cả thuộc phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014. Người lớn và trẻ em cao trên 1 m mua vé vào cửa 30.000 đồng.
Nhà tù do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu 500 m2. Sau ba lần mở rộng, diện tích tăng lên 2.170 m2, gồm một dãy xà lim ngầm dưới lòng đất 3 m, 5 phòng giam cá nhân và 2 phòng giam tập thể. Công trình được xây dựng kiên cố, giường nằm cho tù nhân bằng đá, mặt láng xi măng, gắn hệ thống cùm chân dọc chiều dài sàn. Nơi này được ví như "chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn". Từ năm 1930 đến 1945, thực dân Pháp đã đày lên đây 14 đoàn tù chính trị, tổng số 1.013 lượt tù, trong đó có những tù nhân nổi tiếng như Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn.
Suối khoáng bản Mòng
Bản Mòng là một trong địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ dưỡng, cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 5 km. Đường vào bản Mòng uốn lượn quanh những triền đồi, được trải nhựa rộng rãi, thuận tiện di chuyển. Khách du lịch có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, thoáng đãng. Mức nhiệt của nước luôn ổn định từ 36 đến 38 độ C, không có mùi nên du khách có thể tắm vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Suối khoáng mở cửa từ 8h đến 18h mỗi ngày. Vé tắm nước lá và khoáng nóng giá 120.000 đồng một người một lượt.
Lòng hồ thủy điện Sơn La
Thủy điện Sơn La được xây dựng trên sông Đà, khánh thành năm 2012. Sau khi được hình thành, thủy điện đã tạo nên một lòng hồ lớn với chiều dài hơn 150 km, diện tích khoảng 16.000 ha, là một điểm đến cho khách du lịch. Đi thuyền trên lòng hồ du khách sẽ có cảm giác thư giãn, ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của vùng sông nước. Hai bên hồ là những nhà sàn của dân tái định cư, ghé thăm cảnh chợ ven sông Đà, chiêm ngưỡng cầu Pá Uôn, tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống vào mùng 10 tháng Giêng hằng năm, thưởng thức những món cá sông được chế biến theo cách riêng của người Thái.
Cùng huyện Mường La gần nhà máy Thủy điện Sơn La, du khách còn có thể ghé thăm xã Ngọc Chiến, nơi sinh sống của ba dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa đa dạng và hiếu khách.
Thiên đường mây Tà Xùa
Tà Xùa, nằm ở độ cao hơn 2.800 m so với mực nước biển, là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, thuộc huyện Bắc Yên, giáp với huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Tà Xùa cách Hà Nội 240 km, khí hậu mát mẻ quanh năm, nổi tiếng là điểm săn mây đẹp từ tháng 10 đến tháng 4. Địa hình Tà Xùa là những đoạn đường hẹp, dốc, hai bên là vực sâu. Ngoài việc di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô, bạn có thể trekking đỉnh Tà Xùa, với các cung đường có độ dài khác nhau từ cả phía Sơn La và Yên Bái.
>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Tà Xùa
Rừng hoa sơn tra
Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La nằm ở độ cao trung bình 1.800 m so với mực nước biển được xác lập kỷ lục là "Xã có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam". Theo Tổ chức kỷ lục Việt Nam, đến cuối năm 2023, xã Ngọc Chiến có hơn 2.500 ha cây sơn tra, trong đó có hơn 1.400 ha đã cho hoa và quả. Vào tháng 3 hàng năm, hoa sơn tra nở trắng, tạo nên khung cảnh lãng mạn, thu hút du khách. Ngọc Chiến còn có hệ thống suối khoáng nóng với nhiệt độ trung bình từ 37 đến 40 độ C, là một sản phẩm du lịch đặc biệt.
Huyện Phù Yên
Phù Yên là huyện miền núi ở phía đông Sơn La, với trung tâm là cánh đồng Mường Tấc, được coi là cánh đồng lớn thứ ba ở Tây Bắc Bộ. Tại Phù Yên, có một số địa điểm du khách nên ghé qua như rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp, một di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp, nay đã được chính quyền địa phương quy hoạch thành rừng phòng hộ với diện tích gần 197 ha. Ngoài ra nơi này còn có rừng thông Noong Cốp rộng 1.300 ha với hàng nghìn cây thông trên 30 năm tuổi, là lá phổi xanh, thu hút những du khách thích trở về với thiên nhiên.
Ẩm thực
Pa Pỉnh Tộp
Pa phỉnh tộp (cá nướng) là đặc sản của vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Món ăn có nguyên liệu chính là cá chép, trôi hoặc trắm tươi, được làm sạch rồi mổ phía sống lưng, sau đó nhồi các loại gia vị gồm gừng, sả, rau thơm, hạt dổi, đặc biệt là mắc khén và mầm măng của cây sa nhân vào bên trong, bên ngoài xoa một lớp bột riềng và thính gạo. Pa pỉnh tộp phải nướng trên than, khi nướng dùng thanh tre kẹp lại để giữ gia vị thấm sâu và tỏa mùi thơm. Món ăn từng được đầu bếp Mỹ Robert Danhi đề cập đến trong chương trình ẩm thực "Khám phá Việt Nam".
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp Sơn La được coi là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Nguyên liệu làm nên món ăn này chủ yếu từ thịt trâu hay heo được nuôi thả ở trên các sườn núi. Khi chế biến, người dân địa phương lọc ra thành từng miếng, ướp gia vị gồm muối, gừng, ớt, mắc khén, cùng một số phụ gia khác, sau đó họ sẽ hun từng miếng thịt trên khói của than củi đốt từ cây rừng. Cách ăn thịt trâu gác bếp đơn giản nhất là hấp mềm và xe sợi, chấm cùng chẩm chéo hoặc chế biến thành các món nộm, xào, rim.
Vịt Chiềng Mai
Vịt ở xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn nổi tiếng là giống vịt có trọng lượng từ 1,5 đến 1,7 kg. Vịt có xương nhỏ, da vàng, thịt thơm, ngọt, ăn mềm nhưng không bở. Vịt Chiềng Mai đa phần vịt được nuôi theo hình thức bán chăn thả. Các cách chế biến vịt Chiêng Mai phổ biến gồm có vịt luộc, hấp, nướng than hoa, om sấu hay nấu măng. Ngoài ra, nhiều nhà hàng còn chế biến thêm các món phù hợp với trẻ em và người cao tuổi như xôi, cháo vịt hay vịt xào xả ớt, rang riềng.
Nộm da trâu
Nộm da trâu được chế biến theo công thức cổ truyền của người Thái, trong đó cầu kỳ nhất là công đoạn sơ chế. Da trâu được hơ trên bếp lửa cho sạch lớp lông dày và diệt khuẩn, sau đó cạo bỏ lớp vỏ cứng, chỉ còn lại phần trong suốt, đem luộc chín rồi vớt ra ngâm nước lạnh cho giòn. Phần da trâu thái thành những miếng to bản, mỏng, rồi ngâm nước nóng với chút nước cốt chanh cho mềm và thơm. Sau khi sơ chế, da trâu sẽ được ướp gia vị, với những loại đặc trưng của núi rừng Tây Bắc như trám, tỏi, nước măng chua và mắc khén rồi trộn thêm lạc rang, các loại rau thơm, hoa chuối, rau dớn và bày ra đĩa.
Cháo mắc nhung
Quả mắc nhung (cà đắng) là loại quả có màu xanh và cùng họ với cà chua. Cây mắc nhung mọc tự nhiên trên các nương rẫy hoặc vách đá dọc các bìa rừng, phổ biến ở Sơn La. Quả mắc nhung có vị hơi đắng và the cay, có chút ngọt hậu. Để nấu cháo mắc nhung, đầu tiên phải xào một ít thịt băm, sau đó nấu cùng gạo nếp và nước hầm xương trong nhiều giờ, thêm gia vị, bột nêm, nước mắm, gừng, hạt tiêu và cho mắc nhung vào sau cùng.
Táo mèo
Quả táo mèo (sơn tra) là loại quả được nhiều người ưa thích không chỉ bởi giá thành rẻ mà đây còn là một vị thuốc trong Đông y có nhiều tác dụng với sức khỏe. Quả táo mèo có thể dùng tươi, làm trà, ngâm rượu, làm giấm, giúp tuần hòa tim, giảm đau và an thần. Ngoài ra, táo mèo còn có tác dụng trị các chứng đau bụng tiêu chảy, tốt cho tiêu hóa, theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương.
Tâm Anh
Cập nhật 19/3/2024, 10:06 (GMT+7)
Xem tiếp...