THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
89
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
331K

Cách chăm sóc phục hồi tóc hư tổn

Phương Nga

Tích Cực
Chăm sóc mái tóc bị hư tổn không phải là chuyện đơn giản nhưng nếu biết cách, bạn sẽ lấy lại được mái tóc suôn mượt, chắc khỏe.

Thế nào là tóc hư tổn?​


Tóc hư tổn xảy ra khi các tác nhân gây hại như nhiệt, hóa chất và tia cực tím (tia UV) tấn công lớp bảo vệ bên ngoài của tóc (lớp biểu bì) và tạo nên những vết nứt trên sợi tóc. Khi bị nứt, lớp biểu bì mở ra, khiến cho tóc dễ bị hư tổn và gãy rụng. Tóc khô xơ, xoăn, xỉn màu, tóc chẻ ngọn và gãy rụng nhiều là những dấu hiệu chính của tóc hư tổn. Có nhiều nguyên nhân khiến tóc bị hư tổn như tạo kiểu tóc bằng nhiệt, hóa chất, ánh nắng mặt trời, căng thẳng…

Sự khác biệt giữa tóc khỏe và tóc hư tổn là lớp biểu bì của tóc khỏe còn nguyên vẹn trong khi lớp biểu bì của tóc hư tổn bị bong tróc. Đây là lý do chính khiến tóc hư tổn bị xù xì, xỉn màu và xoăn. Khi lớp biểu bì bị hỏng, bề mặt nhẵn mịn tự nhiên của sợi tóc trở nên thô ráp, tóc trở nên giòn và xuất hiện tình trạng chẻ ngọn. Trong một số trường hợp, lõi tóc còn bị lộ ra và tóc rất dễ gãy. Khi tóc bị gãy hoặc chẻ ngọn, sợi tóc trông sẽ xoăn và xỉn màu.

Các biểu hiện của tóc hư tổn​

Tóc xỉn màu và khô xơ​


Tóc hư tổn thiếu đi lớp dầu tự nhiên bao phủ bên ngoài sợi tóc. Điều này làm cho tóc mất đi độ bóng. Gội đầu quá nhiều và sử dụng các sản phẩm có chứa hóa chất mạnh có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da đầu và tóc. Chỉ nên gội đầu hai lần một tuần và sử dụng dầu gội phù hợp với loại tóc.

Tóc rối​


Tóc hư tổn rất dễ rối. Lớp biểu bì xù xì làm tăng ma sát giữa các sợi tóc và khiến tóc mắc vào nhau. Tình trạng tóc khô và thiếu độ ẩm cũng khiến tóc dễ rối. Nên chải tóc bằng lược thưa, bắt đầu chải cách chân tóc vài cm và chải xuống đuôi tóc. Khi tóc không còn rối thì mới chải từ chân tóc.

Tóc xoăn cứng​


Tóc hư tổn thường không còn thẳng mà trở nên xoăn cứng. Nguyên nhân là do lớp biểu bì của sợi tóc bị nhô lên. Bạn có thể sử dụng serum dưỡng tóc để tóc thẳng mượt trở lại.

Tóc chẻ ngọn​


Tóc chẻ ngọn là một biểu hiện rất phổ biến của tóc hư tổn. Tóc chẻ ngọn là tình trạng đuôi tóc bị tách ra thành hai, ba hay nhiều nhánh. Tóc chẻ ngọn khiến cho mái tóc trông xơ xác, thiếu sức sống và xỉn màu. Phần đuôi tóc chẻ ngọn rất yếu và dễ bị hư tổn nặng thêm. Tóc chẻ ngọn còn dễ bị rối và khó gỡ.

Tóc rụng nhiều​


Nếu bạn nhận thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường khi gội, chải hoặc luồn ngón tay qua tóc thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy tóc đang bị hư tổn.

Sợi tóc xù xì​


Một cách đơn giản để nhận biết tóc hư tổn là dùng ngón tay vuốt dọc sợi tóc. Nếu tóc có cảm giác xù xì, không nhẵn mịn thì có nghĩa là tóc bạn đang bị hư tổn. Việc liên tục sử dụng nhiệt độ cao lên tóc, chẳng hạn như sấy, duỗi hay uốn tóc sẽ khiến cho tình trạng càng trở nên nặng hơn.

Nguyên nhân khiến tóc hư tổn​

Tạo kiểu tóc bằng nhiệt​


Nhiệt độ cao trong quá trình tạo kiểu tóc như duỗi, uốn hay sấy khô làm cho lớp biểu bì tóc mở ra và lấy đi lớp dầu tự nhiên trên tóc. Thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao là nguyên nhân chính khiến tóc hư tổn. Nếu tóc khô xơ và xoăn thì rất có thể thủ phạm là do nhiệt. Nên sử dụng mức nhiệt thấp nhất có thể và dùng xịt dưỡng bảo vệ tóc khỏi nhiệt trước khi sấy, uốn hay duỗi tóc.

Hạn chế stress​


Stress có tác động rất lớn đến mái tóc. Đây là một nguyên nhân khiến tóc hư tổn và dễ gãy rụng. Stress đẩy các nang tóc vào giai đoạn nghỉ ngơi sớm hơn bình thường và dẫn đến hậu quả là tóc rụng nhiều.Trong thời gian bị stress, bạn nên hạn chế sử dụng nhiệt và hóa chất lên tóc.

Tránh các loại hóa chất​


Nhuộm và tẩy tóc là những hình thức xử lý tóc bằng hóa chất phổ biến nhất. Những phương pháp này sẽ gây tổn hại cho tóc về lâu dài. Hóa chất mạnh trong thuốc nhuộm và tẩy tóc sẽ khiến tóc bị khô xơ và xỉn màu. Tóc cũng trở nên giòn và dễ gãy rụng hơn. Các hóa chất khác như thuốc uốn duỗi tóc cũng có thể làm thay đổi cấu trúc bên trong của tóc. Ngoài các hóa chất làm tóc, dầu gội có chứa sunfat và cồn cũng có thể làm mất đi độ ẩm tự nhiên của tóc và gây hư tổn từ bên trong.

Cách phục hồi tóc hư tổn​

1. Gội đầu đúng cách​


Quá trình phục hồi tóc phải bắt đầu từ bước cơ bản nhất, đó là gội đầu. Mặc dù gội đầu không thể giúp tóc trở nên khỏe mạnh trở lại nhưng gội đầu đúng cách sẽ giúp tóc không bị hỏng nặng hơn trong thời gian chờ tóc mới mọc ra thay thế cho phần tóc hư tổn. Dưới đây là những điều quan trọng bạn cần lưu ý khi gội đầu:

  • Gội đầu bằng nước ấm vừa hoặc nước mát, không dùng nước quá nóng hay quá lạnh.
  • Lấy một lượng dầu gội vừa đủ và thoa đều lên khắp da đầu để loại bỏ dầu. Sau đó, từ từ đưa bọt dầu gội xuống sợi tóc.
  • Mát xa da đầu và tóc nhẹ nhàng, không vò hay gãi mạnh.
  • Xả nước từ chân tóc đến đuôi tóc để loại bỏ sạch dầu gội.
  • Đừng quên sử dụng dầu xả sau khi xả sạch dầu gội. Dầu xả giúp dưỡng ẩm mái tóc để tóc mềm mượt hơn sau khi gội. Vắt bớt nước trên tóc và lấy một lượng nhỏ dầu xả lên lòng bàn tay. Thoa đều dầu xả lên tóc. Chú ý không nên thoa dầu xả sát chân tóc và da đầu.
  • Sau khi gội đầu, dùng khăn mềm lau tóc nhẹ nhàng và để tóc khô tự nhiên hoặc sấy bằng chế độ gió mát.

2. Dưỡng ẩm cho tóc​


Nguyên nhân chính khiến tóc bị hư tổn là do mất độ ẩm tự nhiên. Do đó, để phục hồi tóc hư tổn thì phải bổ sung độ ẩm cho tóc. Hãy sử dụng những sản phẩm chăm sóc tóc có cụm từ “moisture” hay “moisturing” (cung cấp độ ẩm), “smooth” (dưỡng tóc mềm mượt) hay “repair” (phục hồi tóc). Những sản phẩm này thường chứa các thành phần như:

  • Dimethicone: đây là một thành phần quen thuộc trong các loại dầu gội và dầu xả. Các phân tử dimethicone cực nhỏ sẽ bám lên từng sợi tóc, giúp làm mịn và bảo vệ lớp biểu bì của tóc, giúp tóc trở nên mềm mại và bóng mượt.
  • Guar hydroxypropyltrimonium chloride và polyquaternium-10: những thành phần này có tác dụng làm cho tóc mềm mượt và ngăn tóc rối.
  • Glycerin: thành phần này giúp giữ ẩm cho da đầu và tóc.

3. Sử dụng dầu xả​


Nếu bạn có mái tóc hư tổn thì không nên bỏ qua bước dùng dầu xả mỗi khi gội đầu. Dầu xả giúp làm mịn lớp biểu bì của sợi tóc và giúp tóc trông khỏe hơn. Vì tóc hư tổn rất dễ bị gãy rụng và tổn hại nặng thêm nên hãy hạn chế tạo kiểu tóc bằng nhiệt và có biện pháp bảo vệ tóc khi tạo kiểu, chẳng hạn như dùng xịt bảo vệ tóc khỏi nhiệt.

Bạn cũng có thể sử dụng dầu xả khô hoặc dầu dưỡng tóc để bổ sung thêm độ ẩm, đặc biệt chú ý đến đuôi tóc – phần thường bị hư tổn nặng nhất.

4. Chải đầu đúng cách​


Chải tóc là bước không thể thiếu để mái tóc suôn mượt nhưng chải tóc không đúng cách có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho mái tóc. Trước tiên phải chọn loại lược phù hợp. Tóc xoăn luôn phải được chải bằng lược răng thưa để tránh gãy rụng.

Một lưu ý khác là không nên chải từ chân tóc xuống đuôi tóc ngay từ đầu mà hãy bắt đầu từ phần giữa của tóc hoặc cách chân tóc vài cm, chải nhẹ nhàng xuống đuôi tóc, sau đó dần dần di chuyển lược lên trên và khi tóc không còn rối thì có thể chải từ chân tóc. Bạn cũng có thể dùng ngón tay nhẹ nhàng gỡ các phần tóc rối trước khi chải bằng lược.

5. Hạn chế tạo kiểu tóc​


Nhiệt và các hóa chất tạo kiểu tóc như thuốc uốn, duỗi, gel xịt, mousse… là những thủ phạm khiến tóc hư tổn. Nên hạn chế tạo kiểu tóc và gội sạch sau mỗi lần tạo kiểu để loại bỏ các sản phẩm này khỏi tóc, tránh tích tụ bụi bẩn và dầu.

Một điều quan trọng cần lưu ý là không nên tạo kiểu tóc khi tóc còn ướt vì tóc ướt yếu hơn nhiều so với tóc khô. Tạo kiểu khi tóc ướt sẽ dễ làm tóc bị gãy rụng và hơn nữa, tóc cũng khó vào nếp hơn.

6. Chăm sóc da đầu​


Để khắc phục tóc hư tổn, bạn cũng phải chú ý đến cả da đầu nữa. Tình trạng da đầu quyết định sức khỏe của tóc. Gội đầu đúng cách cũng có lợi cho cả da đầu. Chải tóc giúp mát xa da đầu, tăng lưu thông máu để nuôi dưỡng tóc chắc khỏe. Sử dụng dầu dưỡng sẽ cung cấp độ ẩm cho da đầu, ngăn da đầu bị khô và bong tróc.

Xem tiếp...
 
Top Bottom