THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
90
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
395K

Các Kỹ Thuật Xóa Rãnh Nước Mắt

Phương Nga

Tích Cực
Các kỹ thuật xóa rãnh nước mắt (rãnh lệ).

Rãnh nước mắt là gì?​


Rãnh nước mắt hay còn gọi là rãnh lệ, là một rãnh giống hình lưỡi liềm có thể nhìn thấy rõ ở dưới mắt. Thuật ngữ này được gọi tên như thế có lẽ là do thực tế nó thực sự có thể đóng vai trò như một rãnh để thoát nước mắt chảy ra. Rãnh nước mắt có thể do di truyền xuất hiện ngay cả ở độ tuổi thiếu niên, nhưng hầu hết những rãnh này đều trở nên xấu xí nghiêm trọng hơn do lão hóa. Rãnh nước mắt có nhiều kiểu và thường khác nhau về vẻ ngoài cũng như mức độ nghiêm trọng và thường mang lại vẻ ngoài mệt mỏi, ủ rũ, khiến người ta trông già hơn nhiều so với tuổi. Vậy trước tiên chúng ta hãy cũng tìm hiểu về nguyên nhân gây nên những rãnh này.

Nguyên nhân gây rãnh nước mắt​


Nguyên nhân gây hình thành rãnh nước mắt có thể là do di truyền hoặc do quá trình lão hóa tự nhiên. Có hai loại rãnh lệ và với mỗi loại lại đòi hỏi một phác đồ điều trị khác nhau. Loại đầu tiên gọi là rãnh nước mắt thật – loại này thường là do di truyền, đặc điểm của loại rãnh này là lớp da của rãnh nước mắt bị bám chặt vào mô và xương bên dưới. Tình trạng này thường bắt đầu xuất hiện từ những năm thiếu niên, là do di truyền và không liên quan gì đến quá trình lão hóa.

Loại thứ hai thường được gọi là “rãnh nước mắt giả”, vẻ ngoài cũng giống như rãnh nước mắt thật nhưng nguyên nhân là do lão hóa, được đặc trưng bởi tình trạng da mỏng dẫn đến để lộ rìa xương ổ mắt. Rãnh nước mắt giả xuất hiện do tình trạng mất mô, da chảy xệ ở vùng giữa má, tình trạng này có thể trở nên rõ ràng khi bị cơ thể sụt giảm collagen, elastin, da trở nên kém săn chắc, thiếu độ đàn hồi, mỡ bị teo ngót và các cấu trúc nâng đỡ cũng bị sụt giảm, dẫn đến vùng dưới mắt ngày càng xệ xuống, hình thành nên rãnh lệ. Ngoài ra, khi bạn già đi, hình dạng hộp sọ cũng thay đổi dần, xương gò má trở nên nhỏ hơn, chưa kể, vách ngăn quỹ đạo cũng bị suy yếu đi, khiến có ít sự hỗ trợ quanh mắt hơn. Khi mô ở vùng mí mắt dưới bị trũng sâu, da bắt đầu trở nên mỏng hơn, chảy xệ, rồi bọng mắt hình thành … tất cả những yếu tố trên càng khiến rãnh nước mắt trở nên rõ rệt.

Vậy làm cách nào để loại bỏ rãnh lệ lấy lại nét trẻ trung cho khuôn mặt? Vì tình trạng rãnh lệ ở mỗi người mỗi khác, có khi chỉ là tình trạng rãnh lệ đơn thuần do di truyền, xuất hiện từ rất sớm, có khi lại là tình trạng rãnh lệ giả với sự kết hợp các vấn đề khác như bọng mỡ hay quầng thâm, chính vì vậy có nhiều phương pháp có thể xóa rãnh lệ như tiêm filler, tiêm mỡ tự thân, …….hoặc phẫu thuật tạo hình mí mắt, hoặc đôi khi bệnh nhân sẽ cần thực hiện các biện pháp cơ học như lăn kim, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu … để điều trị da trước cho vùng da dưới mí mắt trước khi thực hiện các phương pháp loại bỏ rãnh lệ trên. Mỗi phương pháp sẽ phù hợp với tình trạng và sự lựa chọn của mỗi người.

Các phương pháp xóa rãnh nước mắt​

Xóa rãnh nước mắt
Các phương pháp xóa rãnh nước mắt hiện nay

Tiêm filler xóa rãnh nước mắt​


Tiêm filler có thể nói là một phương pháp hiệu quả cao và được ứng dụng nhiều nhất để xóa rãnh nước mắt. Cả hai loại rãnh nước mắt thật và giả đều có thể xử lý bằng cách tiêm filler nếu vùng dưới mắt chỉ có rãnh nước mắt và không bị bọng mắt hoặc không cần điều trị da trước khi tiêm. Tuy nhiên trước khi tiêm filler cho vùng này, cũng có khá nhiều vấn đề cần cân nhắc và xem xét.

Các vấn đề cần cân nhắc trước khi tiêm: Vùng rãnh nước mắt nhìn chung là vùng khá khó điều trị do da ở dưới mắt rất mỏng. Vùng này cũng có rất ít mỡ có thể bao phủ lên khi filler được tiêm vào, do đó nếu kỹ thuật tiêm không chính xác, tiêm quá nông hoặc quá nhiều filler thì sau khi tiêm da có thể chuyển màu xanh (hiệu ứng tyndall). Ngoài ra, do làn da mỏng và khả năng dẫn lưu bạch huyết kém ở khu vực này nên điều quan trọng là phải lựa chọn một loại filler phù hợp. Các chất làm đầy phổ biến nhất được dùng cho vùng rãnh nước mắt là loại được làm từ axit hyaluronic. Một trong những lợi thế lớn nhất của axit hyaluronic là khả năng có thể đảo ngược của chúng. Nếu không vừa ý, chúng ta hoàn toàn có thể tiêm tan bằng hyaluronidase. Chất làm tan này không hề ảnh hưởng đến da hoặc mô bình thường của bạn mà chỉ ảnh hưởng đến filler. Còn lại nếu hài lòng, loại filler axit hyaluronic này có thể tồn tại ở vùng rãnh nước mắt một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, khó khăn khi sử dụng loại filler này chính là ở bản chất có tính ưa nước và ngậm nước của chúng, nghĩa là sau khi tiêm vào chúng sẽ phình to hơn và ngậm nước. Do đó kết quả ngay sau khi tiêm không nhất thiết sẽ là kết quả cuối cùng mà bạn nhìn thấy trong vài tuần sau đó vì filler sẽ còn phình to mở rộng thêm. Điều này có thể gây khó khăn cho việc ước tính lượng chất làm đầy phù hợp để tiêm vào rãnh nước mắt. Do đó cần phải tiêm ít hơn mức bình thường và ước tính lượng hydrat hóa sẽ xảy ra sau đó. Tuyệt đối không nên tiêm nhiều lên như thường làm với tiêm mỡ tự thân.

Ngoài ra cũng vì tính ưa nước, nên filler HA có thể cản trở sự dẫn lưu bạch huyết dẫn đến sưng phù và khiến vùng rãnh nước mắt bị phồng lên, để tránh tình trạng này và để ngăn ngừa khả năng gây ra hiệu ứng tyndall bác sĩ cần phải sử dụng loại filler có khả năng giữ nước kém hơn. Phổ biến nhất là Belotero, Juvederm Ultra @ XC, Restylane Silk ( những loại này được đánh giá là phù hợp nhất cho rãnh nước mắt và đã được chứng minh là an toàn khi tiêm nông mà không gây ra hiệu ứng Tyndall). Số lượng filler cho mỗi bên rãnh nước mắt bị trũng nhẹ là khoảng 0,2 đến 0,3ml; trường hợp trũng mức trung bình đến sâu thì khoảng 1ml; trường hợp trũng rất sâu có thể là 1ml một bên cho mỗi lần tiêm và có thể tiêm lặp lại một vài lần sau mỗi 4 tuần nếu cần.

Loại kim tiêm phù hợp: Mặc dù nhiều bác sĩ vẫn dùng kim nhọn để tiêm filler nhiều lần vào vùng dưới mắt, nhưng kỹ thuật an toàn nhất là dùng kim cannula đầu cùn. Đây cũng giống một cây kim nhưng có đầu cùn, sẽ được đâm vào da qua một lỗ được tạo ra bởi mũi kim nhọn trước đó. Kim cannula có thể đi qua mô mà không đâm hoặc cắt qua bất kỳ tĩnh mạch nào, dẫn đến ít bị bầm tím.

Quy trình tiêm:

điểm tiêm và hướng kim tiêm 1


filler
Tiêm filler xóa rãnh nước mắt

Quy trình tiêm filler xóa rãnh nước mắt được thực hiện ở ngay tại phòng khám. Bệnh nhân được yêu cầu không dùng vitamin E, hay thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) 1 tuần trước khi tiêm để ngăn ngừa bầm tím. Khi thực hiện cần tiêm dưới ánh sáng tốt để xác định chính xác vùng rãnh nước mắt, các bác sĩ thường thích tiêm khi bệnh nhân ngồi trên ghế tựa ngả 45 độ. Bác sĩ sẽ xác định vùng rãnh nước mắt và điểm tiêm phù hợp. Filler cần được tiêm bên dưới hoặc ngay rìa ổ mắt, không được tiêm trực tiếp vào vùng mỡ ổ mắt. Và do đám rối mạch máu dưới da rất nhiều nên vùng rãnh nước mắt rất dễ bị bầm tím sau tiêm, do đó các bác sĩ thường thích chọn điểm tiêm nằm dưới rìa ổ mắt khoảng 1,5 cm với 3 hướng tiêm. Sau khi vệ sinh vùng tiêm, và chườm đá để làm tê vùng điều trị, bác sĩ sẽ đặt mũi tiêm theo hướng thứ nhất – hướng về khóe mắt trong và đâm sâu vào da đi qua cơ đến ngay trên màng xương. Trong khi tiêm đồng thời dùng tay còn lại sờ nắn rìa dưới ổ mắt để đảm bảo không ảnh hưởng đến nhãn cầu. Sau khi tiêm hết từ từ rút kim ra và không được tiêm trong khi rút kim vì như thế sẽ dẫn tới tiêm nông gây hiệu ứng tyndall. Mũi kim thứ hai tiêm theo hướng thẳng về phía đường giữa con ngươi và lại tiêm sâu xuống sát màng xương. Mũi tiêm thứ 3 hướng về phía góc mắt bên nhưng chỉ tiêm nếu có tình trạng mất mô và có rãnh nước mắt ở phía dưới rìa ổ mắt bên. Lưu ý, với kiểu rãnh nước mắt thật, kiểu tiêm có hơi khác một chút, hướng tiêm vẫn giống nhưng không tiêm xuống sát màng xương mà tiêm filler vào giữa da và cơ. Do đó cần chọn loại filler thật mịn, không phồng lên quá nhiều. Cuối cùng sau khi tiêm, matxa nhẹ nhàng vùng tiêm để dàn đều filler, đồng thời tránh u cục cũng như bất thường. Tuy nhiên lưu ý không được matxa mạnh vì có thể sẽ làm đẩy vật liệu tiêm về phía nhãn cầu.

Quy trình tiêm filler xóa rãnh nước mắt chỉ mất khoảng 15 – 20 phút, và hoàn toàn không đau đớn. Kết quả tiêm có thể giữ được từ 9 – 12 tháng tùy theo loại filler sử dụng. Sau tiêm bệnh nhân có thể bị bầm tím, sưng nề hoặc khó chịu, nhưng có thể chườm đá để giảm bớt, và những tình trạng này cũng chỉ là tạm thời, sẽ nhanh chóng biến mất. Bệnh nhân được yêu cầu tránh matxa mạnh hoặc thực hiện bất kỳ trị liệu vùng mặt nào trong vòng 1 tuần sau đó. Ngoài ra hoàn toàn có thể trở lại thói quen sinh hoạt bình thường sau tiêm.

Rủi ro và biến chứng sau tiêm:

Vùng dưới mắt vốn là một vùng nhạy cảm do đó nếu kỹ thuật tiêm không tốt sẽ không tránh khỏi một số biến chứng dưới đây:

  • Da bị đổi màu, màu nâu sạm. Tiêm rãnh nước mắt hoặc tiêm vùng quanh ổ mắt với bất cứ loại filler nào cũng thường sẽ bị bầm tím và ứ đọng hemosiderin sau đó, dẫn tới da có màu nâu sạm hàng tháng mới hết. Chườm đá trước khi tiêm, tiêm ở độ sâu phù hợp, ngừng thuốc chống đông máu ít nhất 7 ngày trước khi tiêm và áp dụng kỹ thuật tiêm nhẹ nhàng có thể giúp tránh được biến chứng này.
  • Vùng dưới mắt bị phồng lên. Tiêm qúa nhiều các sản phẩm HA vào vùng quanh ổ mắt có thể gây tình trạng sưng phồng vì đặc tính ưa nước của loại filler này.
  • Nhiễm trùng: tình trạng này rất hiếm nhưng cũng có thể xảy ra. Có thể xuất hiện dưới dạng một hoặc nhiều nốt ban đỏ và có thể được điều trị tốt nhất bằng kháng sinh.
  • Hiệu ứng Tyndall: HA khi được tiêm quá nông, quá gần bề mặt da, có thể dẫn đến tình trạng có màu hơi xanh xanh dưới da, acid hyaluronic được nhìn thấy qua lớp thượng bì.
  • Nốt sần: tình trạng này có thể xảy ra khi bị nhiễm trùng ở gần bề mặt da. Có thể xử lý bằng cách matxa tại chỗ, hút hoặc rạch để loại bỏ sản phẩm. Hoặc có thể dùng Hyaluronidase để tiêm tan nốt sần, tuy nhiên cần test da trước xem có bị dị ứng với Hyaluronidase hay không.
  • : rất hiếm xảy ra, nếu có thì là do filler trôi vào động mạch trung tâm võng mạc. Do đó điều quan trọng là phải hạn chế lượng filler tiêm tại 1 điểm, ngoài ra nguy cơ này cũng có thể được giảm thiểu bằng cách tiêm chậm với áp lực tối thiểu.

Tiêm mỡ tự thân​


Ngoài filler, một lựa chọn khác có thể làm đầy cho vùng rãnh nước mắt đó là cấy mỡ tự thân, với hiệu quả duy trì lâu hơn và khả năng tương thích tuyệt đối. Đầu tiên bác sĩ tiến hành lấy mỡ bằng kỹ thuật hút ở một vùng thừa mỡ nào đó trên cơ thể như bụng, hông, eo ..vv. Sau đó mỡ lấy được sẽ đem đi tinh chế chọn ra những tế bào mỡ khỏe mạnh nhất.

Kim tiêm dùng trong kỹ thuật này cũng là kim cannula đầu cùn với đường kính mũi kim khoảng 1,2mm. Sau khi sát trùng và gây tê vùng điều trị bác sĩ sẽ bắt đầu tiêm.

Kỹ thuật tiêm: với vùng rãnh nước mắt, điểm tiêm mỡ cũng giống như điểm tiêm filler, nằm dưới rìa ổ mắt khoảng vài mm, dưới điểm thấp nhất của rãnh nước mắt. Điểm này cho phép tiếp cận vào phía trong và phía bên và ở giữa rãnh nước mắt một cách dễ dàng. Hướng tiêm cũng tương tự như trong tiêm filler, tuy nhiên kỹ thuật tiêm thì khác. Lần tiêm đầu tiên sẽ tiêm sâu đến mặt phẳng phía trên màng xương, sau đó tiêm tiếp ở các mặt phẳng nông hơn, luôn tiêm với một lượng nhỏ mỡ trong mỗi lần, tiêm tiếp tục cho đến khi đạt hiệu quả làm đầy và đồng đều như mong muốn. Với kỹ thuật tiêm vi giọt nhiều lớp như vậy, sẽ có khoảng trống giữa mỗi lớp mỡ tiêm vào vì thế nên các mạch máu mới có thể phát triển vào đó, giúp chúng tồn tại lâu hơn. Nếu quá trình phát triển mạch máu không diễn ra thì các mô mỡ dược tiêm lúc này sẽ chỉ giống như các chất làm đầy thông thường, tức là chỉ có hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn, sau đó bị cơ thể đào thải.

Thông thường những tế bào mỡ bào tồn tại đến thời điểm sau 3 tháng thì sẽ duy trì vĩnh viễn. Tại thời điểm này nếu chưa đạt kết quả hài lòng bệnh nhân cũng có thể yêu cầu tiêm lặp lại để đạt kết quả tối ưu. Thời gian tiêm và hồi phục sau cấy mỡ tự thân sẽ lâu hơn tiêm filler, nhưng bù lại kết quả sẽ duy trì được lâu hơn. Sau tiêm bệnh nhân cũng có thể bị sưng và bầm tím, tuy nhiên đây vẫn chỉ là các triệu chứng tạm thời sẽ tự hết. Ngoài ra cũng có một số nguy cơ khiến vùng mỡ tiêm vào bị nổi cục, lồi lõm và ảnh hưởng đến thị giác giống như ở tiêm filler.

phau thuat cat mi duoi 1
Phẫu thuật tạo hình mí mắt dưới xóa rãnh lệ

Với những bệnh nhân có bọng mỡ và rãnh lệ nổi bật thì phẫu thuật tạo hình mí mắt dưới là lựa chọn phù hợp hơn cả. Trong quy trình này bác sĩ sẽ di chuyển túi mỡ ổ mắt xuống làm đầy rãnh nước mắt, giải phóng sự liên kết giữa vách hốc mắt và xương ổ mắt, qua đó xóa rãnh nước mắt trũng sâu tạo đường chuyển tiếp mịn mượt từ dưới mắt xuống hai bên má.

Quy trình sẽ được thực hiện dưới hình thực gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê và qua một đường rạch kết mạc (bên trong mí mắt dưới) hoặc đường rạch bên dưới lông mi. Việc lựa chọn vị trí rạch sẽ phụ thuộc vào những vấn đề cần xử lý, như ngoài xử lý bọng mắt và rãnh lệ thì có cần cắt bỏ da thừa hay không. Thông thường ở những người còn trẻ tuổi và da mí mắt vẫn còn săn chắc thì thường không cần đường rạch bên ngoài. Túi mỡ bị phình ra gây bọng mắt cũng có thể được loại bỏ trong quá trình thực hiện nhưng điều này thường khiến cho mắt bị trũng sâu. Thay vào đó, sau khi tiếp cận và bóc tách các túi mỡ ổ mắt, bác sĩ sẽ dịch chuyển vị trí những túi mỡ này từ bọng mắt xuống rãnh nước mắt, giúp cho toàn bộ vùng dưới mắt phẳng đều hơn. Cuối cùng khâu đóng vết rạch lại. Với kỹ thuật này, việc khắc phục vùng trũng sát với khóe mắt bên trong của rãnh nước mắt sẽ khó khăn hơn, nên nếu không thể khắc phục triệt để bệnh nhân có thể kết hợp tiêm mỡ tự thân sau khi đã lành thương. Tuy nhiên đây lại là đặc điểm tạo nên nét tự nhiên cho khuôn mặt nên nhiều bác sĩ chỉ khuyên sửa phần dưới của rãnh nước mắt là đủ tạo nên thay đổi đáng kể.

Quy trình tạo hình mí dưới thực hiện trong khoảng 1 tiếng tùy từng trường hợp. Vì có can thiệp xâm lấn nên sau khi điều trị bệnh nhân có thể sẽ bị sưng nề, bầm tím nặng hơn, thời gian hồi phục cũng lâu hơn, đổi lại tình trạng có thể khắc phục triệt để và kết quả có thể giữ được lâu. Ngày nay, các bác sĩ có thể ứng dụng kỹ thuật Plasma có khả năng khóa đông mạch máu ngay khi tiếp xúc và can thiệp ở mức tối thiểu, do đó có khả năng cầm máu tốt, ít sưng đau, nhanh lành và thời gian hồi phục cũng ngắn hơn đáng kể. Mặc dù vậy, cũng như bất kỳ quy trình phẫu thuật nào khác, tạo hình mí dưới xóa rãnh lệ cũng có thể gặp phải các biến chứng đáng tiếc như nhiễm trùng, chảy máu, khô mắt, tổn thương cơ mắt, đổi màu da hay tạm thời bị ảnh hưởng tầm nhìn. Tuy nhiên những tình trạng này hoàn toàn có thể hạn chế được nếu bệnh nhân tuân thủ theo chế độ chăm sóc hậu phẫu của bác sĩ cũng như được thực hiện bởi một bác sĩ có đầy đủ trình độ chuyên môn.

Điều trị da trước – lăn kim, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu​


Vì vùng da dưới mắt vô cùng mỏng manh, nên mạch máu ở bên dưới có thể dễ nhìn thấy rõ hơn. Ngoài ra cũng vì quá mỏng manh nên dễ dàng bị hiệu ứng Tyndall khi tiêm chất làm đầy. Vùng da này cũng dễ bị lỏng lẻo, chảy xệ do tuổi tác, các yếu tố mô liên kết quan trọng như collagen và elastin bị sụt giảm. Do đó, để cải thiện chất lượng da cũng như để việc điều trị rãnh nước mắt có cơ hội thành công cao hơn các bác sĩ thường chọn thực hiện một số phương pháp để xử lý da trước. Có một số sản phẩm bôi trực tiếp có thể giúp cải thiện chất lượng làn da như retinoids. Sản phẩm này đã được chứng minh có khả năng thúc đẩy làm dày lớp biểu bì cũng như thúc đẩy tổng hợp collagen. Hay các phương pháp điều trị cơ học khác như lăn kim và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu cũng có thể được áp dụng. Bằng cách cải thiện chất lượng da như vậy, các quy trình xử lý rãnh nước mắt về sau sẽ có khả năng đạt kết quả thẩm mỹ cao hơn.

Lăn kim: đây là liệu pháp kích thích tăng sinh collagen thông qua cơ chế lành vết thương của da. Trong quá trình điều trị, các đầu kim lăn kích cỡ nhỏ sẽ đâm xuyên vào trung bì da, tạo ra các vi tổn thương ở trong da. Điều này kích hoạt quá trình lành vết thương, các nguyên bào sợi “đang ngủ” được “đánh thức” để sản sinh ra collagen, các tế bào tiểu cầu sẽ tập hợp vào vị trí tổn thương để tham gia vào quá trình chữa lành vết thương. Collagen tăng sinh giúp da vùng dưới mắt trở nên dày hơn, căng và sáng hơn.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu: Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là hình thức lấy một lượng nhỏ máu của bệnh nhân, đem xử lý để giữ lại phần huyết tương giàu tiểu cầu, và sau đó tiêm vào da. Phương pháp điều trị này có thể giúp khôi phục da bị tổn thương, và được sử dụng như một giải pháp chống lão hóa. Ngoài việc cải thiện chất lượng da vùng dưới mắt, PRP cũng thường được các bác sĩ sử dụng để điều trị bọng mắt và quầng thâm dưới mắt. Tiêm PRP vào vùng mí dưới là một lựa chọn điều trị an toàn, hiệu quả, hầu như không đau, đơn giản và nhanh chóng cho một khu vực có rất ít các phương pháp điều trị phù hợp.

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Xem tiếp...
 
Top Bottom