MUA BÁN

Chuyên đề: Kinh nghiệm pháp lý, mua bán, sang nhượng nhà đất, Kinh nghiệm thiết kế thi công, trang trí, Kinh nghiệm chọn sản phẩm giá tốt, Kinh nghiệm về ô tô, xe máy, xe điện, Kinh nghiệm ăn uống, khu nghỉ dưỡng, Kinh nghiệm bảo quản, chế biến món ăn

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
KINH DOANH - MUA BÁN
Tổng thành viên
86
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
22K
Tổng lượt xem
689K

CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ & VĂN HÓA HẤP DẪN NHƯNG HÚT KHÁCH

Du lịch văn hóa tâm linh ngày càng trở thành xu hướng chung của nhiều du khách trong khu vực Châu Á. Bằng chứng là các nước như Thái Lan, Campuchia, Maylaysia… trong năm qua đã ra sức trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa gắn với kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm thu hút khách. Còn ở Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng nhưng chưa được đầu tư, khai thác đúng mức, gây lãng phí nguồn tài nguyên du lịch quốc gia.

ĐI MỘT TỈNH BIẾT MỘT VÙNG

Theo thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường, trường trung cấp du lịch Cần Thơ: hiện nay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhân viên thuyết minh ở các điểm di tích lịch sử - văn hóa trong vùng vừa thiếu, vừa yếu kiến thức chuyên môn về lịch sử, địa lý, văn hóa… Không ít doanh nghiệp kinh doanh du lịch cho rằng việc đưa khách đến các di tích lịch - sử văn hóa như là nghĩa vụ với địa phương mà thật lòng họ chẳng muốn. Thật ra, các hãng lữ hành cũng có lý khi cho rằng, nhiều địa phương còn chưa thật sự chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, chính sách thu hút nguồn nhân lực dành riêng cho ngành du lịch. Nhiều người có dịp về Hòn Đất, Kiên Giang thật sự ngán ngẫm khi dừng chân ở khu tưởng niệm chị Phan Thị Ràng (Chị Sứ). Nơi đây thiếu điểm ăn uống, lưu trú qua đêm, vào cổng rất luông tuồng, không có người thuyết minh giới thiệu.

Tại khu khu du lịch Cồn Phụng (hay còn gọi là cồn ông Đạo Dừa), Bến Tre cũng không khá hơn. Du khách được xem là may mắn khi đi tour, vì ít ra cũng có hướng dẫn viên của tour thuyết minh về di tích ông Đạo Dừa. Bằng ngược lại, khách đi lẻ phải mua tấm vé 5.000 đồng vào tham quan và không được nhân viên ở đây hướng dẫn gì thêm, kể cả tờ rơi phát cho khách! Từ đó cho thấy sự than phiền của du khách về tour, tuyến trong thời gian gần đây là có lý. Một vùng đất được xem là màu mỡ để khai thác du lịch, song nhiều năm nay một tour Tây Nam bộ chỉ kéo dài đến ngày thứ 3 là coi như khách không còn gì để xem và chơi.

Đơn cử một tour Tây Nam bộ, lộ trình Hà Nội - Cần Thơ - Châu Đốc - Hà Tiên của một công ty lữ hành (Hà Nội) được thiết kế gồm 4 ngày. Trong đó ngày đầu tiên dành cho việc di chuyển từ Hà Nội vào Long Xuyên, 3 ngày còn lại là hành trình tham quan các điểm di tích lịch sử, thắng cảnh, chùa chiền, núi non, chơi chợ nổi, nghe đờn ca tài tử… Hay tương tự, tour TP.HCM – Châu Đốc – Hà Tiên – Cần Thơ của một công ty du lịch lữ hành ở TP.HCM cũng chỉ có 3 ngày cho nội dung tham quan tương tự.

Theo một thông số khảo sát gần đây của trường Đại học Cần Thơ, cho thấy cái cốt lõi nhất khiến tour miền Tây chỉ thực hiện được phổ biến trong 3 ngày là vì dịch vụ du lịch quá nghèo nàn, đơn điệu. Đi một tỉnh miền tây là coi như đi hết cả Tây Nam bộ. PGS. TS Mai Văn Nam, trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Cần Thơ, cho rằng đặc điểm chung của các tour miền Tây đều thiết kế giống nhau, hướng vào thị trường du lịch một cách chung chung. Du khách khó lựa chọn tour theo nhu cầu riêng, sản phẩm du lịch trùng lắp nên khách đi tour dễ nhàm chán.

DU LỊCH VĂN HÓA GẮN VỚI VĂN HÓA ẨM THỰC VÀ SINH THÁI.

Các tỉnh, thành ĐBSCL có nhiều loại hình du lịch đặc thù cần được xúc tiến đầu tư khai thác: du lịch tâm linh lễ hội Vía bà Chúa xứ núi Sam, lễ hội đua bò (An Giang), lễ hội Nghinh Ông (Trà Vinh), lễ hội Ok Om bok (Sóc Trăng), lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang)…Tại Đồng Tháp, ngoài khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, còn có quần thể di tích Gò Tháp mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu khoa học. Hay như ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang đều có xây dựng trang trọng đền thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh; Bến Tre có khu lăng mộ nhà giáo Võ Trường Toản; Vĩnh Long có Văn Xương Các…

Phú Quốc là quần đảo lớn nhất Việt Nam, có bề dày lịch sử hơn 300 năm, có nhiều di tích tính ngưỡng dân gian mang đậm nét biển. Chính quyền địa phương cũng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Phú Quốc. Thế nên địa phương này rất chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch lịch sử - văn hóa tâm linh. Hiện huyện đảo này đang triển khai hai dự án du lịch lớn: Khu du lịch sinh thái văn hóa Phú Quốc và Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại nhà tù Phú Quốc. Trong một ngày không xa hai dự án đi vào hoạt động sẽ gắn kết với các khu du lịch khác trên hòn đảo lịch sử nổi tiếng của vùng đất phương Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng và nét đặc trưng của du lịch Phú Quốc.

Ngoài ra ở ĐBSCL còn có gần 450 ngôi chùa Khmer, trong đó có 5 chùa ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Trà Vinh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 47 chùa có thành tích trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây chính là di sản kiến trúc tôn giáo, những địa chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa ảnh hưởng tích cực đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nếu như các nhà quản lý, các hãng lữ hành cùng nhau liên kết hợp tác phát triển, đầu tư đồng bộ chắc chắn du lịch của vùng đất Chín Rồng sẽ có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn./.

Bài, ảnh: Văn Cường

Xem tiếp...
 
Top Bottom