THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
90
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
394K

Bước ngoặt cuộc đời của chàng kỹ sư mất đôi tay nơi xứ người

Một ngày giữa tháng 3, anh Tô Hữu Sỹ (35 tuổi) tất bật với công việc chăm sóc hoa, cây cảnh rộng chừng 300m2 mang tên Happy Garden (khu vườn hạnh phúc) của mình trên đường Mai Thúc Loan (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).

Thấy đoàn khách tới, anh nở nụ cười tươi, niềm nở giới thiệu đặc điểm, lợi thế của từng giống cây trồng để họ tiện nắm bắt.

Bước ngoặt cuộc đời của chàng kỹ sư mất đôi tay nơi xứ người - 1

Anh Sỹ đón khách tới tham quan, mua sắm tại khu vườn của mình với đôi bàn tay giả (Ảnh: Đặng Hoài).


Sẽ chẳng có gì đặc biệt hơn khi nhiều người nhìn thấy anh đang làm việc bằng đôi cánh tay giả sinh học.

Phía sau đó là một câu chuyện đầy nước mắt về hoàn cảnh và nghị lực của chàng kỹ sư này.

"Khoảng thời gian đen tối nhất cuộc đời"​


Tô Hữu Sỹ sinh ra và lớn lên tại một gia đình nghèo, đông con tại xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Xuất thân như vậy nên những ngày còn bé, Sỹ không ngừng khát khao được thay đổi cuộc đời.

Bằng nỗ lực đó, năm 2012, chàng trai trẻ tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên ngành Khoa học trồng cây và tiếp tục theo học Thạc sỹ.

Thời gian sau, anh nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1992), cũng là một kỹ sư nông nghiệp. Vợ chồng quyết định trở về Hà Tĩnh khởi nghiệp. Họ có với nhau một bé trai, một bé gái.

Tháng 10/2020, anh có cơ duyên được làm việc tại tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) theo đúng chuyên ngành Kỹ sư nông nghiệp thông qua chương trình hợp tác của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Những tưởng mọi "hạt giống nỗ lực" của mình gieo trồng sắp gặt hái được quả ngọt thì bất hạnh ập tới với chàng kỹ sư này.

Tháng 1/2022, trong quá trình kiểm tra máy móc, anh Sỹ vô tình bị cuốn vào dây chuyền đang hoạt động khiến hai tay phải cắt bỏ.

Anh Sỹ trong thời gian điều trị tại Nhật Bản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Sau tai nạn lao động đó, tôi phải nằm viện điều trị hơn 1 năm 2 tháng. Đây thật sự là khoảng thời gian đen tối nhất đời tôi. Cảm giác cơ thể đang lành lặn, mọi thứ đang dần phát triển ổn định, lại bị như vậy. Tôi đã rơi vào khủng hoảng", anh Sỹ hồi tưởng với đôi mắt đỏ hoen.

Chưa kể, khoảng thời gian này cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Vợ không thể sang chăm sóc, anh cũng không có người thân bên cạnh hỗ trợ. Mỗi ngày trôi qua, anh Sỹ phải sống trong cô đơn và sự dày vò về cả thân xác lẫn tinh thần.

Để anh vững tâm điều trị, ở quê nhà, người vợ luôn gọi điện động viên mỗi ngày.

"Nhờ vợ và gia đình thường xuyên gọi điện, tôi cũng kết nối được một số hoàn cảnh để cùng động viên nhau vượt qua. May mắn, tôi còn đi lại được và mong sớm vượt qua để về gặp vợ con", anh tâm sự.

Đến cuối tháng 3/2022, sau khi vết thương dần ổn định, anh được chuyển về Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hyogo (Nhật Bản).

Tại đây, anh được gắn đôi tay giả sinh học ở phần mõm cụt còn lại. Anh kiên trì tuân thủ theo phác đồ điều trị của bệnh viện và tập trị liệu vật lý suốt thời gian dài. Nhờ đó, anh có thể tự cầm, nắm đồ đạc, sinh hoạt cá nhân dù vẫn còn nhiều bất tiện và biến chứng vào những hôm trái gió trở trời.

Bước ngoặt cuộc đời của chàng kỹ sư mất đôi tay nơi xứ người - 4

Anh Sỹ hạnh phúc bên người vợ của mình (Ảnh: Đặng Hoài).

Gieo mầm xanh tại khu vườn hạnh phúc​


Đến tháng 6/2023, anh trở về nước. Nhìn cơ thể của anh lúc này, chị Hồng Nhung òa khóc tại sân bay. Dang đôi tay giả ôm vợ và các con, anh Sỹ thể hiện quyết tâm "có đôi tay này rồi, chúng ta sẽ làm lại từ đầu".

Sau đó, anh Sỹ cùng vợ quyết định thuê mảnh vườn rộng hơn 300m2 tại đường Mai Thúc Loan, thành phố Hà Tĩnh để khởi nghiệp bằng nghề buôn bán cây cảnh. Anh Sỹ nói đây là những dự định mà anh đã ấp ủ khi còn trên giường bệnh.

Vốn là kỹ sư nông nghiệp, cộng với niềm đam mê từ nhỏ với, những sản phẩm hoa, cây cảnh của họ làm ra được nhiều khách hàng ưa chuộng.

"Với kinh nghiệm và cả sự đam mê, chúng tôi dồn hết tâm huyết để mọi người khi đến đây đều có thể cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc như tên của khu vườn", anh Sỹ vui vẻ nói.

Anh Sỹ hạnh phúc, lạc quan bên khu vườn Happy Garden của mình (Ảnh: Đặng Hoài).

Chỉ 4 tháng sau khi đi vào hoạt động, khu vườn thu hút nhiều khách đến tham quan, đặt hàng. Ngoài hai vợ chồng, bố của anh Sỹ cũng tham gia hỗ trợ công việc.

Với đôi tay giả của mình, anh Sỹ thao tác được máy tính, chăm sóc cây và tự ăn uống như người bình thường. Vì thế, những ngày lễ, Tết, họ mới thuê thêm nhân công thời vụ.

Từ khi có khu vườn, anh Sỹ bận rộn, tất bật hơn. Giờ đây, dù có khó khăn thế nào, nụ cười luôn nở trên môi của anh.

"Những ngày đầu, tôi lo sợ chồng sẽ khó hòa nhập lại với cuộc sống. Nhưng từ ngày mở khu vườn, được mọi người quan tâm nhiều, anh cũng dần nguôi ngoai và ngày càng lạc quan hơn để sống và phát triển khu vườn này", chị Hồng Nhung chia sẻ.

Trong tương lai, chị Hồng Nhung và anh Sỹ dự định sẽ mở rộng mô hình của gia đình để tạo công ăn việc làm cho những phận đời kém may mắn.

Họ mong muốn khu vườn không chỉ là nơi trồng trọt, buôn bán thương mại đơn thuần. Mà hơn nữa, "Happy Garden - Gieo mầm xanh - Gặt hạnh phúc" sẽ còn là điểm hẹn, nơi gặp gỡ của những người đồng cảnh ngộ.

Từ đó, họ hy vọng những câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực, những năng lượng tích cực trong cuộc sống sẽ được lan tỏa đến với mọi người.

Đặng Hoài - Dương Nguyên

Xem tiếp...
 
Top Bottom