Võ Thị Yến Linh
Fan Cứng
Thứ năm, 21/3/2024, 12:58 (GMT+7)
Giám đốc Tài chính của Boeing Brian West ước tính cuộc khủng hoảng an toàn bay hiện tại sẽ khiến họ tiêu tốn hàng tỷ USD trong quý I.
Trong một hội thảo của Bank of America hôm 20/3, West cho biết Boeing đang nỗ lực kiểm soát các vấn đề về độ an toàn của máy bay 737. Ông dự báo trong quý I, Boeing có thể mất 4-4,5 tỷ USD tiền mặt, cao hơn dự kiến hồi tháng 1.
Giới chức Mỹ hiện chỉ cho phép Boeing sản xuất 39 chiếc 737 một tháng. Tuy nhiên, West nói rằng mức thực tế của Boeing thấp hơn con số đó. "Chúng tôi đang chủ động làm chậm lại, để đảm bảo mọi thứ. Tác động sẽ thể hiện rõ nhất trong vài tháng tới", ông cho biết trong hội thảo hôm qua.
Việc giảm sản xuất và giao hàng chậm trễ đang ảnh hưởng đến dòng tiền tự do của Boeing. Điều này đồng nghĩa họ sẽ cần thêm nhiều thời gian để đạt mục tiêu tài chính đề ra năm 2022. Đó là muộn nhất đến năm 2025 hoặc 2026, dòng tiền vào khoảng 10 tỷ USD.
"Chắc chắn sẽ cần thêm thời gian. Nhưng chúng tôi cho rằng những gì mình đang làm hiện tại sẽ có lợi trong dài hạn", ông giải thích.
Một chiếc Boeing 737 Max tại Triển lãm Hàng không Farnborough (Anh) năm 2022. Ảnh: Reuters
West cho biết biên lợi nhuận mảng máy bay thương mại của họ có thể "âm 20%" trong quý I, do phải đền bù cho khách hàng vì giao trễ. Con số sẽ được cải thiện trong năm nay, nhưng tổng thể cả năm 2024 vẫn sẽ âm.
Cổ phiếu Boeing hôm 20/3 giảm 2,3%. Từ đầu năm, mã này đã mất 25%.
Boeing đang gặp áp lực chồng chất sau loạt sự cố về chất lượng và an toàn bay. Hôm 5/1, chiếc 737 MAX 9 của Alaska Airlines hạ cánh khẩn cấp vì bung tấm bịt cửa ở độ cao 5.000 mét. Ba ngày sau, United Airlines phát hiện loạt máy bay 737 MAX 9 bị lỏng ốc trong quá trình kiểm tra sơ bộ.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu 171 chiếc 737 MAX 9 ở Mỹ dừng hoạt động để kiểm tra và bảo trì. Cuối tháng 1, Alaska Airlines thông báo cuộc kiểm tra sau sự cố bung tấm bịt cửa đã phát hiện nhiều máy bay 737 MAX 9 bị lỏng ốc. United Airlines hủy 200 chuyến bay sử dụng phi cơ này.
Sự cố này đang khiến Boeing bị giới chức Mỹ ngờ vực và các hãng bay nổi giận. Nhiều hãng đã phải bỏ bớt tuyến bay và mua thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu. Trên Reuters, Michael O'Leary - CEO Ryanair (một trong các khách hàng chủ chốt của Boeing) cho biết ông sẽ họp với các lãnh đạo công ty trong tuần này về vấn đề trên.
Hà Thu (theo Reuters)
Xem tiếp...