Phương Nga
Tích Cực
Cảm xúc quan trọng như thế nào đối với tâm sinh lý con người?
Bộc lộ cảm xúc cá nhân tưởng chừng là chuyện tự nhiên dễ dàng nhưng thực ra, không phải ai cũng biết thể hiện nó đúng đắn, tích cực.
Quả thực, cảm xúc là một thứ tự động và không thể tránh khỏi. Việc áp đặt và “vô hiệu hóa” cảm xúc của ai đó dễ khiến họ kìm nén và có những phản ứng bất lợi, thậm chí lệch lạc nếu kéo dài.
Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh: Cảm xúc và cảm giác của con người giống như nguồn năng lượng cần được giải phóng hợp lý để duy trì tinh thần và hành vi lành mạnh. Kìm nén cảm xúc có thể dẫn đến tâm trí vô thức, giải phóng bằng hành động vô thức.
Bạn nên nuôi dưỡng cảm xúc của mình tích cực vì nó đóng vai trò như một tín hiệu, cho biết bạn đang như thế nào trong cuộc sống ở từng thời khắc. Khi cảm xúc dao động, não bộ cũng nhận được tín hiệu liên quan đến sức khỏe, tư tưởng, mối bận tâm của bạn lúc đó.
Cảm xúc bị dồn nén có thể gây ra vấn đề thần kinh nghiêm trọng. Tuy nhiên, kỹ năng thể hiện cảm xúc mới là chìa khóa giúp bạn sống vui khỏe, tích cực cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, không ngừng trau dồi khả năng thể hiện cảm xúc lành mạnh là yếu tố giúp bạn thành công hơn.
Tại sao bạn không nên che giấu cảm xúc của mình?
Hầu hết chúng ta thường thấy không dễ dàng và thiếu cảm giác an toàn khi thể hiện cảm xúc của mình. Song, thói quen kìm nén hoặc che giấu, trốn chạy những cảm giác chân thật sẽ khiến bạn chịu tổn thương nhiều hơn về sức khỏe tâm sinh lý.
Thực tế, nhiều người không thích chia sẻ cảm xúc với người khác, mà chọn cách tự “khỏa lấp” những tiêu cực bằng hành vi tiêu cực khác, như hút thuốc, uống rượu, ăn uống vô độ, thậm chí sa ngã vào ma túy, tình dục không lành mạnh.
Cách đối phó với cảm xúc không thỏa đáng sẽ dẫn đến tê liệt cảm xúc, hoặc tâm lý trở nên lệch lạc, cực đoan, hậu quả kéo theo là có những hành vi không đúng đắn. Bộc lộ cảm xúc cá nhân là cần thiết, nhưng việc điều chỉnh cảm xúc lại càng quan trọng hơn.
Làm sao để bộc lộ cảm xúc thỏa đáng thay vì che giấu hay kìm nén?
Cảm xúc luôn cần được kiểm soát và giải phóng một cách tích cực, phù hợp với mỗi người khác nhau. Bạn nên học cách thừa nhận mọi diễn biến tâm lý của mình mà không phải phán xét, tự chỉ trích.
Dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực, bạn hoàn toàn có quyền “phóng thích” nó để tìm lại sự cân bằng vốn có. Một số hoạt động dễ thực hành nhất như là viết nhật ký, tự sự, chơi thể thao, ca hát, khiêu vũ, trồng cây, chăm sóc thú cưng…
Bạn nên tập giải phóng cảm xúc của mình bằng những hoạt động riêng tư như thế, trước khi chia sẻ chúng cùng người khác. Tiến thêm một bước, bạn có thể tâm sự với người đáng tin cậy, biết lắng nghe và có khả năng giúp bạn vực dậy chứ không phải phán xét.
Nếu tình huống nghiêm trọng hơn, bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý. Đừng bao giờ ngại ngùng khi gặp bác sĩ của bạn. Chăm sóc sức khỏe tinh thần luôn là điều quan trọng với mỗi người nhưng lại ít có ai làm tốt.
Có thể thấy, khả năng thể hiện cảm xúc đúng đắn đòi hỏi bạn phải tập dần dần. Ban đầu có thể hơi khó khăn nhưng nếu kiên trì thực hành, bạn sẽ nhận ra cuộc sống của mình trở nên ít áp lực và lạc quan hơn.
Hy vọng bài viết sẽ góp phần giúp bạn hiểu cách bộc lộ cảm xúc cá nhân của mình một cách tích cực, hiệu quả nhất.
Thiên Khuê (Theo Health)
Xem tiếp...