SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
332K

Bệnh Meniere có chữa khỏi không? Cách điều trị sao cho hiệu quả?

BS Cần Thơ

Fan Cứng
Meniere là một loại rối loạn tiền đình ngoại biên. Bệnh meniere có chữa khỏi không? Bạn có thể tìm được lời giải cho thắc mắc này ở nội dung dưới đây.

bệnh meniere có chữa khỏi không


Bệnh Meniere là bệnh gì?


Bệnh Meniere là một chứng rối loạn ở tai trong với triệu chứng kinh điển gồm chóng mặt, ù tai và giảm thính lực, ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như choáng váng hoặc cảm giác đầy nặng tai. Bệnh này thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tai.

Các triệu chứng của bệnh Meniere không xuất hiện liên tục mà diễn ra thành từng đợt, mỗi đợt có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng liên quan đến tiền đình – thính lực cùng một lúc.

  • Chóng mặt: là cảm giác quay cuồng, có thể do người bệnh thấy mình đang xoay hoặc mọi vật xung quanh đang xoay. Trong bệnh Meniere, người bệnh có thể xuất hiện cơn chóng mặt đột ngột, kéo dài hàng giờ nhưng thường không quá 24h. Cơn chóng mặt nặng còn có thể gây nôn mửa.
  • Giảm thính lực: triệu chứng hay nghe kém xảy ra ở tai bị ảnh hưởng. Các cơn nghe kém của người bệnh đến rồi đi cùng lúc với các đợt tấn công của bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ quan thính lực cũng dần dần bị tổn thương và sự nghe kém này sẽ trở thành vĩnh viễn.
  • Ù tai: âm thanh chủ quan chỉ có người bệnh nghe được. Cũng như hai triệu chứng trên, ù tai cũng xuất hiện từng đợt và thường được mô tả là nghe như tiếng ve kêu, tiếng sáo, hoặc tiếng gió bên tai…

Các phương pháp điều trị bệnh Meniere


Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được cơ chế bệnh sinh của Meniere. Do đó, việc điều trị hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng và ngăn ngừa cơn kịch phát. Bao gồm điều trị nội khoa và can thiệp ngoại khoa.(1)

1. Điều trị nội khoa


Mục đích của việc điều trị nội khoa thường nhắm đến các mục đích: điều trị chứng sũng nước mê nhĩ và đánh giá các yếu tố nguy cơ khả dĩ của bệnh lý Meniere; kiểm soát triệu chứng cấp tính của bệnh như các cơn chóng mặt kịch phát; đối với những trường hợp bệnh dai dẳng có thể xem xét biện pháp làm giảm chức năng tiền đình của tai bệnh (“khóa” chức năng tiền đình).

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện tượng ứ dịch trong hệ thống tiền đình là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để gây ra bệnh lý Meniere. Do đó việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ kết hợp được cho là có thể giúp giảm đi mức độ hoạt động của bệnh này.

Các chất kích thích đợt cấp Meniere bao gồm cà phê, socola, căng thẳng, kích thích ánh sáng thị giác, hiện tượng giảm áp suất… Một chế độ ăn ít muối (dưới 1500mg/ngày), tránh xa cà phê, ngủ đủ giấc, tránh các loại thức ăn khó tiêu hoặc dị ứng sẽ giúp giảm đáng kể triệu chứng Meniere.

Liệu pháp lợi niệu: phương pháp lợi niệu thiazide kết hợp với lợi niệu giữ kali được sử dụng khá phổ biến trong bệnh lý Meniere. Đây được xem là phương pháp điều trị vừa kinh tế vừa ít tác dụng phụ ở nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh lý thận, đái tháo đường và gout. Trong giai đoạn kịch phát, có thể sử dụng liều lượng cao hơn bình thường. Liệu pháp này cũng có thể được sử dụng trong thời gian dài, nhưng cần theo dõi nồng độ natri và kali huyết thanh định kỳ.

1.1 Betahistine


Thuốc được FDA công nhận từ năm 1970 để điều trị bệnh lý Meniere trong giai đoạn ngắn. Đây là một thuốc đồng vận nhẹ histamine H1 và đối vận H3. Cơ chế hoạt động của Betahistine trong bệnh lý Meniere đến nay vẫn còn đang được nghiên cứu. Nhưng hiệu quả đã được chứng minh làm giảm đáng kể các đợt kịch phát tiền đình thông qua nghiên cứu BEMED – nghiên cứu tiến cứu, đa trung tâm, mù đôi, ngẫu nhiên – tiến hành vào năm 2016.

1.2 Điều trị triệu chứng cấp tính từng đợt


Đợt cấp tính của tiền đình sẽ gây ra các cơn chóng mặt cấp tính và triệu chứng kèm theo do tiền đình (buồn nôn, nôn…). Các thuốc ức chế tiền đình và chống nôn được sử dụng để làm giảm triệu chứng chóng mặt và nôn mửa của bệnh nhân.

Một điều cần lưu ý là những thuốc ức chế tiền đình chỉ nên được sử dụng đối với triệu chứng chóng mặt. Không nên sử dụng thường quy đối với các triệu chứng choáng váng hoặc mất thăng bằng – một triệu chứng có thể xảy ra do hiện tượng suy giảm chức năng mạn tính hoặc tiến triển của bệnh lý Meniere. Điều này có thể dẫn đến giảm khả năng bù trừ tiền đình của người bệnh.

1.3 Corticosteroid uống


Cơ chế tác dụng của corticoid vẫn chưa được hiểu rõ. Giả thuyết được cho là do tác dụng kháng viêm của thuốc này lên bệnh. Sử dụng thuốc trong đợt kịch phát hoặc thường quy ngắn này còn tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh và thăm khám lâm sàng.

Ngoài ra, còn có các thuốc khác có thể kể đến như thuốc điều trị Migraine, thuốc điều trị dị ứng cũng có thể được xem xét sử dụng trong nhiều trường hợp cụ thể.

thuốc điều trị bệnh meniere
Thuốc lợi tiểu có thể được xem xét để điều trị bệnh Meniere

2. Điều trị can thiệp

2.1 Phẫu thuật


Nếu các trường hợp chóng mặt không được kiểm soát bằng thuốc, phẫu thuật có thể được đề nghị. Các thủ tục phẫu thuật có thể loại bỏ các cơn chóng mặt thường xuyên xảy ra trong bệnh Meniere. Tuy nhiên, không có phẫu thuật nào được tìm thấy để cải thiện tình trạng mất thính lực.

Quyết định về cuộc phẫu thuật nào phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và tình trạng thính lực của bệnh nhân.

2.2 Gentamicin chích xuyên nhĩ


Chích xuyên nhĩ aminoglycoside có thể được thực hiện nhằm phá hủy chức năng tiền đình. Còn được gọi là phẫu thuật cắt mê nhĩ bằng thuốc, kỹ thuật này thường sử dụng gentamicin vì nó là aminoglycosid gây độc cho tiền đình mạnh nhất. Thuốc phải đến được tai trong qua mũi tiêm xuyên nhĩ, ống thông nhĩ (tympanostomy tube) hoặc MicroWick.

Không có phác đồ nào là tốt nhất đối với điều trị bằng gentamicin. Có nhiều phương pháp đã áp dụng thành công, chúng khác nhau về tần suất điều trị, liều lượng thuốc và tiêu chí kết thúc điều trị trên lâm sàng. Một thực tế phổ biến ngày nay với tiêm gentamicin là tiêm liều thấp, liên tục mỗi 2–4 tuần cho đến khi các triệu chứng tiền đình thuyên giảm hoặc nghe kém tiếp nhận thần kinh nặng dần.

Điều quan trọng cần biết là tác dụng gây độc cho tiền đình của gentamicin là do tích lũy; do đó, người bệnh có thể cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị. Ngoài ra, tác dụng không có ngay lập tức mà có thể mất 3-5 ngày. Người bệnh có thể có các cơn choáng váng chủ quan do tổn thương tiền đình tiến triển. Vật lý trị liệu tiền đình có thể có hiệu quả để thúc đẩy phản xạ bù trừ.

2.3 Phẫu thuật giải áp túi nội dịch, hoặc shunt


Phẫu thuật túi nội dịch được tiến hành nhằm giảm áp lực của nội dịch trong túi nội dịch và phần còn lại của hệ thống. Kỹ thuật này không phá hủy thính giác ở tai bệnh. Trong khi các triệu chứng mất thính lực, ù tai và đầy tai có thể được cải thiện, mục tiêu chính của những bệnh nhân chọn làm thủ thuật nhằm làm giảm tần suất và cường độ của các cơn chóng mặt mà vẫn bảo tồn được chức năng thính giác. Bệnh nhân vẫn sẽ dễ bị các cơn Meniere ở tai đã phẫu thuật và cần tiếp tục điều chỉnh lối sống và điều trị nội khoa.

Trong một đánh giá gần đây, phẫu thuật giải áp túi và phẫu thuật đặt ống nối xương chũm đều có hiệu quả trong việc kiểm soát chóng mặt trong ít nhất 75% bệnh nhân thất bại với điều trị nội khoa.

2.4 Cắt dây thần kinh tiền đình


Đây là phương pháp điều trị có hiệu quả giúp giảm các cơn chóng mặt mà vẫn bảo tồn thính giác. Kỹ thuật này yêu cầu phẫu thuật mở sọ tạo điều kiện tiếp cận và cắt dây thần kinh tiền đình giữa mê nhĩ và thân não.

Khả năng nghe được bảo tồn ở mức trước phẫu thuật khoảng 80% và sự bù trừ tiền đình thường hồi phục sau 3-4 tuần.

2.5 Phẫu thuật tiệt căn mê nhĩ


Đây là phương pháp điều trị bệnh Meniere, phương pháp này loại bỏ toàn bộ hệ thống tiền đình ở một bên tai và do đó giúp bệnh nhân ngăn ngừa hoàn toàn các cơn Meniere từ tai đó. Bệnh nhân nghe kém mắc bệnh Meniere một bên hoặc bệnh nhân nghe kém do di chứng của chính bệnh Meniere có thể được áp dụng phương pháp này.

Phương pháp phẫu thuật cắt mê nhĩ xuyên xương chũm giúp bệnh nhân mắc bệnh Meniere kiểm soát tốt nhất các triệu chứng chóng mặt. Như đã đề cập, tai phẫu thuật sẽ mất hoàn toàn thính giác, và do đó thủ thuật này thường được áp dụng cho những bệnh nhân có thính lực kém ở tai bị bệnh. Sự bù trừ của tiền đình, mất khoảng 1-2 tháng, thường đạt hiệu quả cao.

đo tiền đình
Phương pháp đo tiền đình hiện đại tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh

3. Các phương pháp khác


Các nhà khoa học đã nghiên cứu việc sử dụng một số liệu pháp y học thay thế trong điều trị bệnh của Meniere như châm cứu hoặc bấm huyệt, thái cực quyền hoặc các chất bổ sung thảo dược như bạch quả, niacin hoặc rễ gừng. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy những phương pháp này hiệu quả.(2)

Vì vậy, khi người bệnh muốn thử nghiệm các phương pháp này, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả hoặc độ an toàn của các loại thuốc đang điều trị thông thường.

Phòng ngừa bệnh Meniere


Vì không biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh Meniere nên không có cách nào để phòng ngừa. Tuy nhiên, thực hành lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống khoa học, tránh stress và tập thể dục mỗi ngày có thể giúp phòng ngừa bệnh tật nói chung.

Ngoài ra, hạn chế ăn mặn, không hút thuốc lá, tránh sử dụng rượu bia, hạn chế tiêu thụ caffein, socola; uống nhiều nước, ăn ngũ cốc có thể góp phần làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh Meniere

1. Bệnh Meniere có chữa khỏi được không?


Nguyên nhân gây ra Meniere vẫn chưa được biết rõ. Do đó, phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn vẫn chưa được tìm ra. Một số giả thuyết liên quan đến sinh lý bệnh của Meniere bao gồm gen, nhiễm trùng, chấn thương, cơ học, tự miễn, dị ứng và nguyên nhân mạch máu…

Trên cơ sở đó, các phương pháp điều trị hiện nay cũng hướng đến giải quyết các nguyên nhân trên. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết quả đáp ứng vẫn gây ra nhiều bàn cãi. Một số ít bệnh nhân không đáp ứng với điều trị ban đầu, thường xuyên chịu các đợt kịch phát nặng có thể xem xét đến phẫu thuật tiệt căn hệ thống tiền đình ốc tai như biện pháp cứu cánh cuối cùng. Nhưng hệ lụy là mất thính lực hoàn toàn và suy giảm khả năng thăng bằng vĩnh viễn.

2. Bệnh Meniere có nguy hiểm không?


Meniere là bệnh lý của hệ thống tiền đình ốc tai với các triệu chứng chóng mặt, ù tai, nghe kém diễn ra đột ngột và khó lường trước. Chính vì đặc điểm này khiến cho bệnh Meniere là một gánh nặng về tâm lý và thể chất của người bệnh. Các cơn chóng mặt kịch phát có thể dẫn đến té ngã gây ra chấn thương thứ phát. Suy giảm chức năng thính giác khiến người bệnh Meniere cũng giảm khả năng giao tiếp xã hội, giảm năng suất làm việc, trở nên mặc cảm và dần cách ly khỏi xã hội. Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ mắc vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, có thể dẫn đến các hệ lụy nguy hiểm cho bản thân và mọi người xung quanh.

Cơn mất trương lực cấp do tiền đình (Tumarkin’s Otolithic Crisis), thường xảy ra ở giai đoạn sau của bệnh Meniere, người bệnh mất trương lực cơ đột ngột, ngã sụp xuống nhưng hoàn toàn không mất ý thức. Cơn mất trương lực thường đến và đi nhanh không để lại di chứng nào, trừ trường hợp gặp chấn thương thứ phát. Cơ chế gây ra hiện tượng trên vẫn chưa được biết rõ.

3. Vì sao người bệnh Meniere bị mất thính lực?


Người ta tin rằng bệnh Meniere phát triển là kết quả của sự gia tăng áp lực trong khoang nội dịch. Các triệu chứng đầy tai và giảm thính lực có thể liên quan đến sự gia tăng áp suất này.

Sự gia tăng đột ngột áp lực gây ra các cơn chóng mặt kịch phát. Các giai đoạn áp suất cao đột ngột và lặp đi lặp lại đó sẽ phá hủy dần dần các cấu trúc vi thể của hệ tiền đình và ống tai. Tổn thương này tích lũy theo thời gian dẫn đến suy giảm vĩnh viễn chức năng trong cả hệ thống thính lực và thăng bằng của người bệnh.

Kumagami và cộng sự (1982) mô tả ba giai đoạn của bệnh Meniere:

  • Giai đoạn 1: Thính lực trở lại mức bình thường giữa các đợt kịch phát;
  • Giai đoạn 2: Thính lực dao động nhưng không trở lại bình thường;
  • Giai đoạn 3: Thính lực xuống dưới 60 dB HL.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị bệnh Meniere và các bệnh lý Tai – Mũi – Họng tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:

Bệnh Meniere là một loại rối loạn tiền đình ngoại biên khá phổ biến nhưng căn nguyên không được biết rõ nên bệnh Meniere có chữa khỏi không vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng các loại thuốc, các liệu pháp, phẫu thuật và thay đổi chế độ ăn uống giúp quản lý tốt các triệu chứng. Những người mắc bệnh Meniere hãy luôn chú ý trong việc phòng ngừa tai nạn té ngã. Việc điều trị nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, chuyên gia thính học, tiền đình.

Xem tiếp...
 
Top Bottom