Phương Nga
Tích Cực
Viêm tụy cấp ở trẻ - một bệnh lý ít gặp
Mới đây, một bé trai 12 tuổi ở Cần Thơ bị đau bụng, nôn ói thức ăn kèm theo dịch trắng, dịch xanh nhiều lần trong ngày. Khi khám được xét nghiệm và chẩn đoán bị viêm tụy cấp mức độ nặng.
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm của tuyến tụy, dẫn đến tổn thương tế bào nang tuyến, do sự tiêu hủy của các men tụy. Viêm tụy cấp ở trẻ em thường có liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau.
Nguyên nhân thường gặp là siêu vi, chấn thương, sỏi mật, sỏi đường mật, giun chui ống mật, thuốc (valproic acid, l-asparaginase, 6-mercaptopurin, azathioprin). Các nguyên nhân ít gặp hơn gồm: Bệnh hệ thống, chuyển hóa, đột biến di truyền và vô căn.
Viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em nên các dấu hiệu bệnh thường bị bỏ qua, nếu chẩn đoán và xử trí muộn thì diễn tiến bệnh sẽ phức tạp. Viêm tụy cấp không được phát hiện sớm có thể dẫn đến tình trạng mất nước do nôn ói nhiều, hạ huyết áp, bụng chướng, liệt ruột, hạ canxi máu… Tuyến tụy bị hoại tử và xuất huyết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, có thể dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng viêm tụy cấp ở trẻ
Là một bệnh cấp tính, viêm tụy cấp thường có những biểu hiện như đau bụng và nôn. Một số dấu hiệu như:
- Bệnh thường xảy ra đột ngột sau bữa ăn no, bữa ăn có nhiều dầu mỡ.
- Vị trí đau vùng bụng trên rốn, vùng thượng vị, có khi đau ¼ bụng trên bên phải hay bên trái.
- Cơn đau dữ dội, mức độ đau tăng dần sau 10 - 20 phút và có thể kéo dài đến nhiều giờ.
- Đau có thể lan ra sau lưng, đau tăng lên sau khi ăn.
- Đa số đều có biểu hiện nôn, nôn ra nhiều nước, nôn xong vẫn không làm giảm đau bụng. Nếu không tìm được nguyên nhân gây nôn, cần nghĩ đến viêm tụy.
Tuy nhiên, bệnh cũng có thể có những biểu hiện không điển hình, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa khác. Nhất là tình trạng cha mẹ cho rằng trẻ bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa, bởi tính chất cơn đau từ từ, kéo dài trong nhiều ngày (khi bệnh nhẹ) hoặc xuất hiện đột ngột (bệnh đã diễn tiến nặng).
Lời khuyên của bác sĩ
Thực tế ghi nhận cho thấy, đa số các trẻ sẽ ổn định sau 7 - 10 ngày điều trị mà không xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp trẻ có thể sẽ phải đối mặt với các biến chứng như tụ dịch quanh tụy. Nang giả tụy hình thành do chất lỏng và mảnh vụn tích tụ trong túi, tương tự như nang trong tuyến tụy. Nang giả vỡ có thể gây nhiễm trùng và chảy máu, viêm tụy hoại tử nhiễm trùng, áp xe tụy, hôn mê, tử vong do não tổn thương…
Sau khi điều trị viêm tụy cấp cần cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn gây kích thích như chua, cay… Không nên ép trẻ ăn quá no hay quá lượng nhu cầu hằng ngày của trẻ. Vì khi ăn lượng thức ăn quá nhiều sẽ làm tăng hoạt động của các tuyến tiêu hóa, đặc biệt tuyến tụy sẽ gây ra quá trình tự tiêu, gây viêm tụy tái phát.
Khi trẻ có triệu chứng nôn ói nhiều, cha mẹ nhận thấy lượng trẻ ói ra nhiều hơn lượng trẻ ăn vào, thì cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu đến muộn tuyến tụy sẽ bị xuất huyết và hoại tử, lúc đó cần phải can thiệp phẫu thuật và sẽ để lại nhiều biến chứng.
Xem tiếp...