SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
331K

5 phương pháp điều trị ung thư vú khi mang thai (có bầu) và lưu ý

BS Hà Nội

Fan Cứng
Ung thư vú khi mang thai là tình trạng ung thư vú được chẩn đoán, phát hiện trong thời kỳ phụ nữ đang mang thai nhưng hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 1/3.000 trường hợp đang mang thai. [1]

Những lựa chọn điều trị cho tình trạng này khá phức tạp, do đó, các bác sĩ sẽ hội chẩn liên khoa để thống nhất phác đồ và thời gian điều trị tốt nhất. Vậy phương pháp điều trị ung thư vú khi mang thai nào đang được áp dụng? Người bệnh cần lưu ý những gì? Bài viết sau đây của Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp những thắc mắc trên.

điều trị ung thư vú khi mang thai


Điều trị ung thư vú khi mang thai có những khó khăn gì?


Nếu chẳng may được chẩn đoán mắc ung thư vú khi đang mang thai, các lựa chọn điều trị thường phức tạp hơn, vì người bệnh luôn mong muốn có được phương pháp điều trị bệnh tốt nhất, đồng thời bảo vệ con của mình. Loại ung thư và thời gian điều trị sẽ được lên kế hoạch cẩn thận và có sự phối hợp giữa bác sĩ chuyên về bệnh lý tuyến vú và bác sĩ sản khoa.

Khi điều trị cho phụ nữ mang thai mắc ung thư vú, mục tiêu cũng tương tự như điều trị ở phụ nữ không mang thai, bao gồm tăng chữa khỏi hoặc kiểm soát tốt bệnh, giảm nguy cơ tái phát và di căn về sau. Bên cạnh đó, bác sĩ và bệnh nhân luôn có mối quan tâm về việc bảo vệ thai nhi đang phát triển, lo lắng liệu pháp điều trị ảnh hưởng thai nhi có thể khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Các phương pháp điều trị ung thư vú khi mang thai


Điều trị ung thư vú khi mang thai sẽ tùy thuộc vào loại ung thư, mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe của mẹ và tuổi thai có thể bị ảnh hưởng đến, hay nói cách khác là thời gian thai kỳ của mẹ sẽ quyết định cách điều trị.

Ưu đãi tầm soát ung thư vú dịp 8-3

Bác sĩ sẽ căn cứ trên những thông tin này để lên phác đồ và lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú hiệu quả, đồng thời giữ an toàn cho thai nhi. Trường hợp người bệnh đang ở gần cuối thai kỳ khoảng sau tuần 34 – 35 thì việc điều trị có thể trì hoãn cho đến sau khi sinh.

1. Phẫu thuật


Loại phẫu thuật được thực hiện sẽ phụ thuộc vào mức độ ung thư và thời điểm ung thư được chẩn đoán trong thai kỳ.

Phẫu thuật loại bỏ ung thư ở vú và các hạch bạch huyết lân cận là một phần quan trọng trong điều trị cho bất kỳ phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn đầu và mong muốn có 1 thai kỳ an toàn. Các lựa chọn cho phẫu thuật ung thư vú bao gồm:

  • Cắt bỏ toàn bộ vú (phẫu thuật cắt bỏ vú).
  • Chỉ loại bỏ phần chứa ung thư (phẫu thuật cắt bỏ khối u hay gọi là phẫu thuật bảo tồn vú).

Ngoài việc cắt bỏ khối u ở vú, 1 hoặc nhiều hạch bạch huyết ở vùng nách (hạch nách) cũng cần được cắt bỏ bằng cách bóc tách hạch bạch huyết ở nách (ALND), nhằm kiểm tra xem ung thư đã lan rộng hay chưa. Đây là quy trình tiêu chuẩn dành cho phụ nữ mang thai mắc ung thư vú và phải loại bỏ nhiều hạch bạch huyết dưới cánh tay.

Một thủ thuật khác là sinh thiết hạch gác cửa hay gọi là hạch trọng điểm (SLNB) có thể là một lựa chọn nhưng tùy thuộc vào thời gian mang thai và giai đoạn ung thư của người bệnh. SLNB cho phép bác sĩ loại bỏ ít hạch hơn nhưng phương pháp này lại gây lo ngại về ảnh hưởng của thuốc nhuộm SLNB đối với thai nhi.

Vì những lo ngại này, hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo chỉ nên sử dụng SLNB trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như ung thư ở giai đoạn cuối thai kỳ và dùng phương pháp sinh thiết hạch gác cửa bằng đồng vị phóng xạ Technicium, không được sử dụng thuốc nhuộm màu xanh lam để thực hiện sinh thiết hạch gác cửa trong suốt quá trình thực hiện.

cách trị ung thư vú khi mang thai
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang và ekip khoa Ngoại Vú đang phẫu thuật điều trị ung thư vú cho người bệnh.

2. Các phương pháp điều trị sau phẫu thuật


Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, người bệnh có thể phải điều trị bằng nhiều phương pháp như hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone và liệu pháp nhắm mục tiêu sau phẫu thuật để làm giảm nguy cơ ung thư tái phát. Đây được gọi là điều trị hỗ trợ.

Ngoài ra, một số phương pháp điều trị ung thư vú khi mang thai có thể gây hại cho thai nhi và không an toàn khi mang thai. Trong trường hợp có chỉ định và cần thiết để giảm thiểu nguy cơ cao tái phát và di căn thì việc điều trị xạ trị, sinh học và nội tiết buộc phải được trì hoãn đến giai đoạn sau sinh.

2.1 Hóa trị


Hóa trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật (điều trị hỗ trợ) cho ung thư vú giai đoạn sớm. Ngoài ra, phương pháp này cũng được dùng riêng cho các bệnh ung thư tiến triển hoặc di căn.

Hóa trị không được thực hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Bởi, phần lớn sự phát triển của em bé đều diễn ra trong thời gian này, đồng thời, tính an toàn của hóa trị cũng chưa được nghiên cứu trong 3 tháng đầu tiên. Đây cũng là thời điểm có nguy cơ sảy thai (mất con) cao nhất.

Trong nhiều năm, người ta cho rằng tất cả các phương pháp này đều sẽ gây hại cho thai nhi bất kể thời điểm hóa trị.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại thuốc hóa trị chẳng hạn như: doxorubicin, cyclophosphamide, fluorouracil và taxan được sử dụng trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 (từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 9 của thai kỳ) không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, thai chết lưu hoặc các vấn đề sức khỏe ngay sau sinh, nhưng vẫn có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu những đứa trẻ này có bị ảnh hưởng lâu dài hay không.

Nếu người bệnh mắc ung thư vú giai đoạn đầu và cần hóa trị sau phẫu thuật (hóa trị hỗ trợ) thì việc điều trị thường sẽ bị trì hoãn ít nhất đến tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kỳ). Nếu bạn đã ở trong tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối của thai kỳ) khi phát hiện ung thư, hóa trị hỗ trợ có thể bị trì hoãn cho đến sau khi sinh.

Việc sinh con sẽ được thực hiện sớm vài tuần ở một số phụ nữ. Thông thường bác sĩ sản khoa chủ động hỗ trợ cho thai nhi trưởng thành tốt và mẹ có thể sinh con an toàn sau tuần 35. Những kế hoạch điều trị tương tự cũng có thể được sử dụng cho phụ nữ mắc ung thư giai đoạn muộn hơn.

Hóa trị thường không được khuyến khích sau 35 tuần mang thai hoặc trong vòng 3 tuần sau khi sinh, vì có thể làm giảm số lượng tế bào máu của người mẹ, từ đó gây chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng khi sinh. Việc trì hoãn hóa trị trong vài tuần cuối cùng trước khi sinh sẽ giúp lượng máu của người mẹ trở lại bình thường.

2.2 Xạ trị


Xạ trị ở vú thường được sử dụng sau phẫu thuật bảo tồn vú (cắt bỏ khối u) nhằm làm giảm nguy cơ ung thư tái phát. Liều lượng bức xạ cao được sử dụng cho điều trị có thể gây hại cho em bé bất cứ lúc nào, bao gồm sảy thai, dị tật bẩm sinh, thai nhi chậm phát triển hoặc làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở trẻ. Do đó, các bác sĩ không sử dụng phương pháp điều trị bằng bức xạ trong thời kỳ mang thai.

Một số phụ nữ phát hiện ung thư muộn trong thai kỳ có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u và chờ em bé chào đời, sau đó mới được xạ trị. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này chưa được nghiên cứu kỹ. Bởi, kéo dài thời gian xạ trị sau mổ có thể làm tăng nguy cơ tái phát sớm tại vú.

2.3 Liệu pháp hormone


Liệu pháp hormone thường được sử dụng để điều trị ung thư vú sau phẫu thuật với ung thư vú dương tính với thụ thể hormone (estrogen hoặc progesterone). Các loại thuốc trị liệu bằng nội tiết tố được sử dụng cho ung thư vú bao gồm: tamoxifen, anastrozole, letrozole và exemestane.

Không nên dùng liệu pháp hormone trong thời kỳ mang thai vì có thể ảnh hưởng đến em bé. Phương pháp này nên được trì hoãn cho đến khi phụ nữ sinh con.

2.4 Liệu pháp nhắm mục tiêu


Các loại thuốc nhắm mục tiêu HER2, chẳng hạn như: trastuzumab (Herceptin), pertuzumab (Perjeta), ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla) và lapatinib (Tykerb) rất quan trọng trong điều trị ung thư vú dương tính với HER2. Ở những phụ nữ không mang thai, trastuzumab được sử dụng như một phần của phương pháp điều trị sau phẫu thuật.

Bên cạnh đó, pertuzumab cũng được sử dụng cùng với trastuzumab trên bệnh nhân nguy cơ cao, có thể dùng trước hoặc sau khi phẫu thuật. Tất cả các loại thuốc này đều có tác dụng trong điều trị ung thư giai đoạn muộn. Tuy nhiên, dựa theo các nghiên cứu trên những phụ nữ được điều trị trong thời kỳ mang thai, không có loại thuốc nào trong số này được đánh giá là an toàn cho thai nhi nếu dùng trong thời kỳ mang thai.

Everolimus (Afinitor) và palbociclib (Ibrance) cũng là những loại thuốc nhắm mục tiêu có thể sử dụng cùng với liệu pháp hormone để điều trị ung thư vú tiến triển. Tuy nhiên, những loại thuốc này và các thuốc nhắm mục tiêu khác được đánh giá là không an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.

Liệu pháp nhắm mục tiêu
Điều trị ung thư vú khi mang thai tùy thuộc vào loại, mức độ, tình trạng sức khỏe và thời kỳ mang thai.

Điều trị ung thư vú khi mang thai có an toàn không?


Nếu mắc ung thư vú khi đang mang thai, bạn có thể phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, vì vậy hãy nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên về bệnh tuyến vú. Phụ nữ mang thai có thể điều trị ung thư vú một cách an toàn. Tuy nhiên, các phương pháp được dùng và thời gian điều trị có thể bị ảnh hưởng bởi giai đoạn thai kỳ. Khi được chẩn đoán mắc ung thư vú khi mang thai, các khuyến nghị điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào:

  • Kích thước của khối u.
  • Vị trí khối u.
  • Ung thư đã di căn đến đâu.
  • Bạn đang ở tháng thứ mấy của thai kỳ.
  • Sức khỏe tổng thể của bạn.
  • Nguyện vọng của bạn.

Nhìn chung, phẫu thuật điều trị ung thư vú khi đang mang thai khá an toàn. Hóa trị được xem an toàn cho thai nhi nếu được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ, nhưng không an toàn trong 3 tháng đầu. Các phương pháp điều trị ung thư vú khác, chẳng hạn như liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm mục tiêu và xạ trị, có nhiều khả năng gây hại cho thai nhi và thường không được thực hiện trong thời kỳ mang thai.

Các lựa chọn điều trị có thể trở nên phức tạp nếu có sự mâu thuẫn giữa phương pháp điều trị tốt nhất dành cho mẹ và sức khỏe của em bé. Ví dụ, nếu được phát hiện mắc ung thư vú ở giai đoạn đầu của thai kỳ và cần hóa trị ngay lập tức, bạn có thể được khuyến cáo chấm dứt thai kỳ. Một bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý có thể hỗ trợ về mặt tinh thần cho người bệnh khi họ ở trong hoàn cảnh này.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu trước đó cho thấy, việc chấm dứt thai kỳ để điều trị ung thư không cải thiện tiên lượng sống của phụ nữ. Đồng thời nghiên cứu cũng có những sai sót, do đó, việc chấm dứt thai kỳ không còn được khuyến khích thường xuyên khi phát hiện ung thư vú.

Song, lựa chọn này có thể được thảo luận khi bác sĩ đã xem xét tất cả các lựa chọn điều trị hiện có, đặc biệt đối với ung thư di căn (giai đoạn IV) hoặc ung thư ác tính cần điều trị ngay lập tức, chẳng hạn như ung thư vú dạng viêm.

Tiên lượng điều trị ung thư vú khi mang thai


Mang thai có thể khiến việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị ung thư vú trở nên khó khăn hơn. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng tiên lượng sống ở phụ nữ mắc ung thư vú khi mang thai và không mang thai là như nhau, đối với các bệnh ung thư được phát hiện ở cùng một giai đoạn.

Một số bác sĩ tin rằng việc chấm dứt thai kỳ có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của ung thư vú giai đoạn nặng và khuyến nghị điều này với bệnh nhân của mình. Chấm dứt thai kỳ làm cho việc điều trị trở nên đơn giản hơn nhưng đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy việc chấm dứt thai kỳ giúp cải thiện tiên lượng sống hoặc kết quả ung thư của người bệnh.

Các nghiên cứu cũng chưa chỉ ra việc trì hoãn điều trị là cần thiết trong thời kỳ mang thai và cũng không ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư vú. Đây được xem là một lĩnh vực khó để nghiên cứu. Mặt khác, không có báo cáo nào cho thấy ung thư vú có thể gây hại cho em bé.

Chăm sóc người bị ung thư vú khi mang thai


Phụ nữ mắc ung thư vú khi mang thai sẽ được chăm sóc bởi bác sĩ chuyên về bệnh tuyến vú, bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh. Ngoài ra, sau khi sinh con, người bệnh có thể phải tiếp tục điều trị ung thư vú, điều này khiến việc chăm sóc con trở nên khó khăn. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để cùng lên kế hoạch điều trị, từ đó có thể chủ động chăm sóc và tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân.

cách chữa ung thư vú khi mang thai
Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về phác đồ điều trị để chủ động lên kế hoạch chăm sóc và nhờ sự hỗ trợ từ người thân.

Câu hỏi thường gặp về điều trị ung thư vú khi mang thai

1. Ung thư vú có thể ảnh hưởng thai nhi không?


Không có bằng chứng nào cho thấy việc mắc ung thư vú khi mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Bạn không thể truyền bệnh ung thư sang con bạn. Và cũng không có bằng chứng nào cho thấy bạn bị ung thư vú khi đang mang thai thì trẻ sẽ mắc ung thư sau này.

2. Ung thư vú có lây sang thai nhi không?


Chưa có y văn nào chứng minh ung thư vú có thể lây lan từ mẹ sang thai nhi. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, ung thư đã di căn đến nhau thai (cơ quan kết nối mẹ với thai nhi). Điều này có thể ảnh hưởng đến lượng chất dinh dưỡng mà thai nhi nhận được từ mẹ.

3. Tôi có thể cho con bú trong thời gian điều trị ung thư không?


Hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo, những phụ nữ vừa sinh con và sắp điều trị ung thư vú nên ngừng hoặc không cho con bú. Bởi, nhiều loại thuốc hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm mục tiêu có thể đi vào sữa mẹ và truyền sang thai nhi. Không nên cho con bú nếu bạn đang điều trị bằng thuốc toàn thân, thậm chí sau khi điều trị kết thúc. Trường hợp mắc ung thư vú dương tính với hormone, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc để ngừng sản xuất sữa.

Nếu có kế hoạch phẫu thuật vú, việc ngừng cho con bú sẽ giúp giảm lưu lượng máu đến ngực và làm khối u nhỏ lại. Điều này có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng ở vú và tránh việc thu thập sữa mẹ ở khu vực sinh thiết hoặc phẫu thuật.

Nếu có thắc mắc, chẳng hạn như khi nào nên cho con bú bằng sữa mẹ, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên về bệnh tuyến vú để được tư vấn. Trường hợp bạn dự định cho con bú trở lại sau khi đã ngừng một thời gian, hãy lên kế hoạch trước đó và nhờ bác sĩ tư vấn.

Chăm sóc người bị ung thư vú khi mang thai
Mắc ung thư vú khi mang thai không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

4. Gây mê có an toàn khi mang thai không?


Phẫu thuật điều trị ung thư vú thường ít gây nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên, ở một số thời điểm nhất định trong thai kỳ, thuốc gây mê có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.

Sẽ có sự phối hợp hội chẩn giữa các bác sĩ chuyên về bệnh tuyến vú, bác sĩ gây mê và bác sĩ sản khoa nhằm đánh giá và chọn thời điểm tốt nhất trong thai kỳ để phẫu thuật. Nếu phẫu thuật được thực hiện muộn hơn, bác sĩ sản khoa sẽ có mặt để theo dõi và xử lý kịp thời những trường hợp xấu xảy ra với em bé trong quá trình phẫu thuật. Khi kết hợp hội chẩn liên khoa, các bác sĩ sẽ quyết định loại thuốc và kỹ thuật gây mê nào là an toàn nhất cho cả mẹ và thai nhi.

5. Ung thư vú khi mang thai có nguy hiểm?


Không có bằng chứng nào cho thấy ung thư vú khi mang thai nguy hiểm hơn ung thư vú vào những thời điểm khác. Tuy nhiên, việc phát hiện ung thư vú khi mang thai có thể khó khăn hơn. Điều này cho thấy có thể có sự chậm trễ trong chẩn đoán khiến ung thư được phát hiện ở giai đoạn sau.

Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.

Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất, giúp người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Bài viết đã cung cấp những thông tin về các phương pháp điều trị ung thư vú khi mang thai và những lưu ý cần biết. Tình trạng này có thể điều trị ở giai đoạn đầu của thai kỳ nếu được chẩn đoán sớm. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa ung bướu, bác sĩ sản khoa và bác sĩ nhi khoa để có kế hoạch điều trị tốt nhất cho mẹ và an toàn cho thai nhi.

Xem tiếp...
 
Top Bottom