Phương Nga
Tích Cực
Niềm tin vào bản thân chính là động lực thúc đẩy mỗi chúng ta mạnh mẽ tiến bước đến mục tiêu mình mong muốn. Nhưng chuyến tàu đường đời không phải lúc nào cũng xuôi gió thuận buồm, sẽ có đôi lúc chúng ta dễ thất vọng và tự ti về giá trị của bản thân. 3 câu chuyện nhỏ dưới đây có thể tiếp thêm sự tin tưởng của bạn về giá trị bản thân và trân trọng nét đặc biệt của chính mình.
Câu chuyện 1: Tờ 20 đô la
Một diễn giả nổi tiếng bắt đầu buổi hội thảo của mình với tờ 20 đô la. Dưới khán đài, có 200 người có mặt để nghe ông nói. Ông hỏi:
- Ai muốn có tờ 20 đô la này?
200 cánh tay giơ tay lên.
Diễn giả tiếp tục nói:
- Tôi sẽ đưa tờ 20 đô la này cho một người trong số các bạn nhưng trước tiên, hãy để tôi làm điều này.
Sau đó, ông vò tờ tiền trong tay.
Ông lại hỏi tiếp:
- Giờ thì, có ai còn muốn nó nữa không?
200 cánh tay vẫn giơ lên cao.
- Chà, nếu tôi làm điều này thì sao?
Vị diễn giả thả tờ tiền xuống đất và dùng giày của mình dẫm lên. Sau đó, ông nhặt nó và cho đám đông bên dưới xem. Tờ tiền đã bị nhàu nát và bẩn thỉu.
- Bây giờ, ai còn muốn tờ 20 đô la này?
Tất cả vẫn tiếp tục giơ tay.
Vị diễn giả mỉm cười:
"Các bạn của tôi, tôi vừa chỉ cho các bạn một bài học rất quan trọng. Bất kể tôi đã làm gì với số tiền, bạn vẫn muốn nó vì nó chưa hề giảm giá trị. Nó vẫn trị giá 20 đô la. Bạn cũng vậy, trong cuộc sống dẫu có thăng trầm đến đâu, bạn vẫn có giá trị của riêng mình".
Suy ngẫm:
Rất nhiều lần trong đời, những thử thách cuộc sống khắc nghiệt đến mức như "vò nát" chúng ta và mài chúng ta vào bụi bẩn. Ai cũng có những vấp ngã, bạn có thể từng đưa ra những quyết định sai lầm không thể thay đổi lại. Bạn cảm thấy mình thật tệ hại và vô tích sự. Nhưng bất kể điều gì đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra cũng không thể tước đi giá trị của chính bạn. Bạn là người đặc biệt, đừng bao giờ quên điều đó!
Câu chuyện 2: Cà rốt, trứng và hạt cà phê
Một phụ nữ trẻ quay trở về quê hương để gặp mẹ và kể cho bà nghe về những khó khăn trong cuộc sống của cô. Cô không biết mình sẽ làm như thế nào và chỉ muốn bỏ cuộc. Có vẻ như, mỗi khi một vấn đề được giải quyết, một vấn đề mới lại nảy sinh. Cô đã quá mệt mỏi.
Người mẹ đưa cô vào bếp. Bà đổ đầy nước vào ba cái bình và đặt mỗi cái trên bếp lửa. Ngay sau đó các nồi đều đã sôi. Lần đầu tiên, bà đặt cà rốt. Lần thứ hai, bà đặt trứng và cuối cùng, bà đặt hạt cà phê xay.
Bà mẹ cứ để các nồi đun sôi như vậy, không nói một lời. Khoảng hai mươi phút sau, bà bắt đầu tắt bếp. Người mẹ vớt cà rốt ra và đặt chúng vào một cái bát. Bà tiếp tục lấy những quả trứng ra và đặt vào bát tô. Rồi múc cà phê ra và đặt vào bát nhỏ. Quay sang con gái, bà hỏi: "Nói cho mẹ biết, con thấy gì?"
"Cà rốt, trứng và cà phê," cô gái trẻ trả lời. Người mẹ đưa cô tiến lại gần và bảo cô cảm nhận những củ cà rốt. Cô gái bảo rằng chúng có vẻ mềm. Bà mẹ lại yêu cầu cô lấy một quả trứng và làm vỡ nó. Cô thử đập trứng nhưng không thể bởi vì quả trứng đã được luộc chín. Cuối cùng, người mẹ yêu cầu cô nhâm nhi ly cà phê. Cô con gái mỉm cười khi thưởng thức hương vị thơm nồng của nó. Cô chợt băn khoăn:
"Tất cả những điều này có ý nghĩa gì hả mẹ?"
Người mẹ nói rằng, mỗi đồ vật mà bà vừa đun sôi đều phải đối mặt với cùng một nghịch cảnh - nước sôi. Nhưng mỗi đồ vật lại có một phản ứng khác nhau. Củ cà rốt ban đầu cứng là vậy, nhưng sau khi bị đun sôi, nó đã mềm nhũn.
Quả trứng ban đầu rất dễ vỡ với lớp vỏ mỏng manh còn bên trong là chất lỏng. Nhưng, sau khi chần qua nước sôi, chất lỏng bên trong trứng đã trở nên cứng lại. Còn hạt cà phê xay lại phản ứng theo một cách khác, sau khi bị đun sôi, chính cà phê đã tạo sức ảnh hưởng lên phần nước đun nó.
"Con sẽ chọn cách nào?", người mẹ hỏi con gái. "Khi nghịch cảnh gõ cửa, con sẽ chọn ứng phó như thế nào? Con muốn là củ cà rốt, quả trứng hay hạt cà phê?".
Suy ngẫm:
Bạn là ai? Bạn có phải là một củ cà rốt có vẻ mạnh mẽ, nhưng khi đứng trước nỗi đau và nghịch cảnh, bạn có mềm yếu và mất đi sức mạnh của bản thân? Hay bạn có phải là quả trứng bắt đầu với một trái tim non nớt, nhưng lại cứng rắn dần theo áp lực? Hay bạn giống như hạt cà phê, toả hương ngay trong nghịch cảnh? Chướng ngại là điều không thể thiếu trong cuộc đời, sự khác biệt nằm ở thái độ bạn lựa chọn để đối diện với nghịch cảnh.
Câu chuyện 3: Cái chậu bị nứt
Một người gánh nước ở Trung Quốc có hai cái chậu nước lớn, mỗi cái được treo vào hai đầu của một cây sào mà ông ta gánh trên vai. Một trong hai chiếc chậu có vết nứt, trong khi chiếc chậu còn lại rất hoàn hảo và luôn vận chuyển đầy đủ nước. Trong suốt đoạn đường dài từ con suối về đến nhà, chiếc chậu nước bị nứt chỉ còn đầy một nửa.
Trong suốt hai năm, việc này diễn ra hàng ngày, người gánh nước chỉ có thể mang một chậu rưỡi đầy nước về đến nhà. Tất nhiên, chiếc chậu hoàn hảo tự hào về thành quả của mình. Còn chiếc chậu nứt đáng thương luôn tự ti, xấu hổ về sự không hoàn hảo của chính mình, và tự trách rằng mfinh chỉ có thể hoàn thành một nửa nhiệm vụ.
Sau hai năm mà chiếc chậu nứt dằn vặt mình, một ngày nọ, nó nói chuyện với người gánh nước bên bờ suối. "Tôi xấu hổ về bản thân mình, bởi vì vết nứt ở phía bên của tôi làm cho nước rò rỉ ra khắp sân nhà của anh."
Người gánh nước nói với cái chậu nứt: "Anh có để ý rằng chỉ có hoa ở bên lối đi của anh, mà không có hoa ở phía chậu bên kia? Đó là bởi tôi luôn biết về khuyết điểm của anh, và tôi đã gieo hạt giống hoa ở phía bên con đường của anh. Và mỗi ngày khi chúng ta đi bộ về, chính anh đã tưới nước cho chúng. Trong hai năm, tôi đã có thể hái những bông hoa xinh đẹp này để trang trí căn nhà nhỏ của mình. Nếu không có sự khiếm khuyết của anh, sẽ không có điều tuyệt vời này".
Suy ngẫm:
Trong cuộc sống không có ai, không có thứ gì là hoàn hảo tuyệt đối và sự khiếm khuyết vẫn mang đến những vẻ đẹp riêng. Điều bạn cần làm là tập nhìn ra ưu điểm của những điều bất toàn, trong đó có chính bản thân bạn. Hy vọng trong hành trình yêu bản thân và "hoàn hảo một cách không hoàn hảo", bạn sẽ luôn trân trọng và nâng niu những dấu ấn đặc biệt của riêng mình!
Cẩm Mịch/Theo Rogerdarlington
Xem tiếp...