Võ Thị Yến Linh
Fan Cứng
"Pù Ngùa có đến 30% các cặp đôi lấy nhau là tảo hôn, trong số đó, không ít trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Bố mẹ tảo hôn, các con cũng tảo hôn, nên trong bản, nhiều trường hợp mới ngoài 30 tuổi đã lên chức ông, bà", ông Thao Văn Sinh, trưởng bản Pù Ngùa (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) nói.
Nghe ông Sinh nói về tình trạng tảo hôn xuyên thế hệ của đồng bào Mông nơi đây, chúng tôi không khỏi giật mình.
Ông Sinh dẫn tôi đến thăm gia đình anh Thao Văn Pó, 36 tuổi và vợ Hơ Thị Tho, 37 tuổi. Vợ chồng anh Pó đã lên chức ông, bà ngoại gần 3 năm nay.
Thấy có khách đến chơi, chị Tho chạy vào trong lấy quần ra mặc cho đứa nhỏ. Thằng bé không chịu mặc quần, vùng vằng rồi khóc ré lên khiến anh Pó phải dỗ. Thoạt nhìn tôi cứ nghĩ đấy là con của vợ chồng anh Pó, nhưng anh đã kịp đính chính "đây là cháu ngoại, gần 3 tuổi rồi".
Vợ chồng anh Pó bẽn lẽn khi nói về việc "lên chức" ông, bà ở tuổi ngoài 30. Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, anh ở với người chú, cuộc sống khó khăn nên ngày nhỏ, anh Pó không được đến trường.
Mùa xuân 2003, Pó 15 tuổi, trong một lần đi chơi, gặp và ưng Hơ Thị Tho, 16 tuổi, ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi nên dắt Tho về, thế là thành vợ chồng.
17 tuổi, Tho sinh con gái đầu lòng. Cuộc sống của vợ chồng trẻ ngày càng khó khăn khi các con lần lượt ra đời. Bao nương ngô, dãy sắn cũng không giúp gia đình Pó thoát nghèo. Ngôi nhà cũ được cất dựng từ năm 2004 dột nát chẳng thể sửa sang. Mãi đến năm 2021, gia đình anh Pó được Bộ Công an tặng nhà mới.
Trải qua cuộc sống hôn nhân ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", vợ chồng anh Pó không muốn các con "đi vào vết xe đổ" nên nỗ lực cho con cái đến trường. Tuy nhiên, con gái đầu của anh Pó là Thao Thị Đớ (15 tuổi) lại không muốn học lên cao mà đòi lấy chồng.
Chị Hơ Thị Tho kể, Tết năm 2020, Đớ đang học lớp 7 đã đem lòng yêu người con trai ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát). Đớ cho biết sẽ lấy Đao làm chồng. Dù mẹ can ngăn, nhưng Đớ không nghe.
Dính vào "lưới tình", Đớ bỏ học theo Đao về nhà lên đồi trồng sắn, ngô. Năm 2021, 16 tuổi, Đớ trải qua cơn chuyển dạ "thập tử nhất sinh"...
Gặp Đớ, tôi bị ám ảnh bởi thân hình gầy gò, xanh xao của em. Việc lấy chồng, sinh con sớm, lao động cực nhọc khiến Đớ già hơn tuổi. Chồng Đớ nhỏ thó, "da bọc xương". Con của vợ chồng Đớ còi cọc, suy dinh dưỡng.
"Đớ không nghĩ lấy chồng sớm khổ nhiều như vậy. Vợ chồng chưa đủ tuổi làm đăng ký kết hôn nên con trai của em dù gần 3 tuổi vẫn chưa có giấy khai sinh", Đớ nói rồi quay mặt, giấu giọt nước mắt đang chực trào.
Thông tin từ UBND xã Pù Nhi, 10 năm trước, tỷ lệ tảo hôn ở xã này chiếm 45%. Hiện có 30% cặp đôi mới ngoài 30 tuổi đã lên chức ông, bà. Năm 2023, xã Pù Nhi có 60 cặp đăng ký kết hôn thì có đến 13 cặp tảo hôn. Đáng chú ý, 13 cặp này tảo hôn cả vợ, chồng.
Trong câu chuyện với tôi, ông Thao Văn Sinh kể cách đây không lâu, bà con trong bản Pù Ngùa đưa một thiếu nữ 13 tuổi đi cấp cứu vì ăn lá ngón khi bị gia đình cấm yêu.
Đó là cháu Thao Thị Xi (tên nhân vật đã được thay đổi). Xi đang học lớp 8, quen và yêu một người con trai cùng huyện nhưng bố mẹ ngăn cấm vì em còn nhỏ, đang phải đi học. Bị bố mẹ cấm yêu, Xi khóc lóc, giam mình trong phòng không ăn, không uống.
"Con bé nhiều lần dọa không cho lấy chồng sẽ ăn lá ngón. Xi sẽ chết để chứng minh tình yêu của nó là đúng. Xi chết cho bố mẹ phải hối hận. Thế rồi Xi làm thật. Sáng sớm nó vào rừng lấy lá ngón về ăn", ông Sinh kể.
Chuyện tảo hôn và tảo hôn xuyên thế hệ không phải chỉ ở Pù Ngùa. Bản Cá Nọi (Pù Nhi) cũng là một trong những bản có tỷ lệ tảo hôn cao nhất nhì huyện Mường Lát. Ông Hơ Văn Thành, Trưởng bản Cá Nọi cho biết, trong bản có khoảng 30% cặp đôi ở tuổi ngoài 30 đã lên chức ông, bà.
Nguyên nhân bố, mẹ được "thăng chức" sớm là do các cháu đi học xa gia đình từ sớm, bắt đầu từ lớp 6 đã đi học bán trú, không có sự quản lý của bố, mẹ. Trong khi đó, công nghệ thông tin phát triển, các cháu bước vào độ tuổi dậy thì, dễ bị tác động, thích bạn khác giới.
Bên cạnh đó, tập tục lạc hậu ăn sâu vào nếp nghĩ của cộng đồng dân cư, nhất là người Mông. Họ quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có người nối dõi, nhà đông con cái mới vui, có nhân lực để lao động...
Theo ông Hơ Văn Thành, tảo hôn chủ yếu ở độ tuổi 13, 14. Mỗi kỳ nghỉ hè, Tết các cháu đi chơi, gặp gỡ rồi đem lòng yêu nhau. Năm nào trong bản cũng có trường hợp ăn lá ngón, uống thuốc trừ sâu hoặc diệt cỏ khi gia đình ngăn cấm chuyện yêu đương. Nhiều gia đình sợ con chết nên đành chấp nhận, bất đắc dĩ cho con được "làm theo ý mình".
Theo thống kê sơ bộ, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Mường Lát có hàng chục nạn nhân chết trẻ, khi mới 13, 14 tuổi mà một phần nguyên nhân là vì bị gia đình cấm yêu.
Năm 2023, huyện Mường Lát có 412 cặp đăng ký kết hôn, trong đó có 50 cặp tảo hôn (21 trường hợp tảo hôn cả vợ và chồng), chiếm tỷ lệ 12%. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ tảo hôn ở huyện vùng biên này cao hơn con số thống kê vì đa số những trường hợp tảo hôn đều không tổ chức đám cưới, không thông qua đăng ký.
"Phần lớn các đôi trai gái tự về ở với nhau mà không đăng ký kết hôn. Nhiều nhà bố, mẹ không ngăn cản, có nhà ngăn cản bất thành. Trước đây, chính quyền tuyên truyền, vận động nhưng những năm gần đây, địa phương đã áp dụng biện pháp xử phạt hành chính các gia đình có con tảo hôn nên tỉ lệ tảo hôn đã giảm", ông Lầu Văn Ly, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết.
Theo ông Ly, nhiều gia đình xảy ra trường hợp tảo hôn "xuyên thế hệ". Đời ông chỉ cần "ưng cái bụng" là về ở với nhau. Đời con của họ cũng lấy nhau khi mới 13, 14 tuổi. Đến đời cháu tiếp tục "hành trình tảo hôn". Có những cặp vợ chồng mặt còn "búng ra sữa" đã có với nhau vài, ba mặt con nhưng vẫn chưa có giấy đăng ký kết hôn. Nhiều cặp vợ chồng mới ngoài 30 tuổi đã lên chức ông, bà.
Tảo hôn, nghèo đói, thất học như cái vòng luẩn quẩn "siết" lấy cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người Mông nơi miền biên viễn xứ Thanh.
Nội dung: Hạnh Linh, Thanh Tùng
Thiết kế: Đức Bình
19/03/2024 - 06:59
Xem tiếp...