SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
332K

11 dấu hiệu nhiễm trùng tai và các yếu tố nguy cơ gây bệnh

BS Cần Thơ

Fan Cứng
Cảm giác đau tai, có dịch ở trong tai, hay suy giảm thính lực có thể là một trong các dấu hiệu nhiễm trùng tai. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gây những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

dấu hiệu nhiễm trùng tai


Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tai là gì?


Nhiễm trùng tai có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của tai, bao gồm nhiễm trùng tai ngoài, nhiễm trùng tai giữa và nhiễm trùng tai trong. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng nhiễm trùng tai giữa, hay còn gọi là viêm tai giữa. Hiếm gặp nhất là tình trạng nhiễm trùng tai trong.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em vì hệ thống tai mũi họng và hệ thống miễn dịch của cơ thể chưa phát triển toàn diện. Thống kê cho thấy, có khoảng 80% trẻ em bị viêm tai giữa ít nhất một lần trong đời.

ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nhiễm trùng tai thường không nguy hiểm, nhưng nếu tái đi tái nhiều lần, nhiễm trùng tấn công sâu vào các tổ chức bên trong gây thủng màng nhĩ, suy giảm thính lực, thậm chí gây giảm thính lực, viêm dây thần kinh tiền đình, viêm màng não,… có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, nhận biết sớm và điều trị đúng cách nhiễm trùng tai là một điều quan trọng đối với mọi trường hợp, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ chưa có khả năng nói chuyện để mô tả về các triệu chứng về tai của mình.

Trước khi trình bày về các dấu hiệu nhiễm trùng tai, dưới đây là các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc nhiễm trùng tai ở một người.

Một người có thể có nhiều yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tai cùng lúc.

  • Độ tuổi:

Nhiễm trùng tai xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, có thể kéo dài đến khi 8 tuổi. Nguyên nhân là vì:

  • Hệ thống tai mũi họng của trẻ chưa hoàn thiện: Vòi Eustache là một vòi thông từ tai giữa đến vòm mũi họng ở vị trí VA, có tác dụng dẫn dịch tiết từ tai giữa vào cổ họng, điều chỉnh áp suất không khí trong tai. Trẻ em có vòi ngắn, hẹp, nên tình trạng ứ dịch thường xuyên xảy ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, gây nhiễm trùng. Đặc biệt, khi trẻ mắc viêm VA, dịch tiết từ viêm VA dễ dàng trào ngược lên tai thông qua vòi eustache, gây biến chứng viêm tai giữa.
  • Hệ thống miễn dịch, hệ thống chống nhiễm trùng của cơ thể vẫn đang phát triển.
  • Trẻ nhỏ (đi nhà trẻ) khi sinh hoạt trong lớp, không nhận thức được mà tiếp xúc với các trẻ bị bệnh khi ho, chảy mũi, sổ mũi,…
  • Tiền sử gia đình: Yếu tố gia đình có thể chưa phải là yếu tố nguy cơ chính, nhưng liên quan tới các hội chứng, bệnh lý di truyền như rò luân nhĩ, dị dạng màng nhĩ, tiền sử gia đình bị điếc, nhiễm trùng tai,..
  • Cảm lạnh: Nhiễm trùng tai thường xuất hiện sau khi một người bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hệ thống tai mũi họng thông nhau, nên vi trùng có thể xâm nhập vào tai giữa thông qua vòi eustache, khiến vòi eustache sưng lên, hẹp hơn, và gây ra tình trạng ứ dịch, nhiễm trùng tai giữa.
  • Bệnh mạn tính: Các bệnh mạn tính bao gồm suy giảm miễn dịch, các bệnh hô hấp mạn tính (xơ nang, hen suyễn,…) có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
  • Dân tộc: Trẻ em là người Mỹ bản địa, người gốc Tây Ban Nha hay Alaska dễ bị nhiễm trùng tai hơn trẻ em các dân tộc khác.
  • Chất lượng không khí, môi trường sống: Tiếp xúc với khói thuốc lá hay phải sinh sống trong môi trường khói bụi, ô nhiễm sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
  • Thời tiết: Nhiễm trùng tai có xu hướng gia tăng vào mùa lạnh, hoặc những người bị ứng thời tiết, dị ứng phấn hoa có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn vào mùa phát bệnh.
  • Hở hàm ếch: Sự bất thường về cấu trúc xương và cơ có thể cản trở khả năng dẫn lưu dịch của vòi eustache.

Trường hợp nhiễm trùng tai ngoài, các yếu tố nguy cơ có thể kèm theo các chấn thương ống tai và bệnh lý da liễu, ví dụ chấn thương khi lấy ráy tai bằng tăm bông, bệnh vẩy nến, chàm, viêm da tiết bã, đi bơi thường xuyên, hay dị ứng do sử dụng thuốc nhuộm tóc, thuốc mọc tóc,…

dấu hiệu tai bị nhiễm trùng ở trẻ
Trẻ em có nguy cơ mắc nhiễm trùng tai cao hơn người lớn.

Tổng hợp các dấu hiệu nhiễm trùng tai thường gặp


Dấu hiệu nhiễm trùng tai thường khởi phát nhanh chóng và có sự khác nhau ở các khu vực tai (tai ngoài, tai giữa) nhưng nhìn chung người bệnh thường gặp phải các triệu chứng sau:(1)

1. Đau tai


Đai tai là một trong các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm trùng tai, kể cả ở trẻ em và người lớn. Đau tai có thể do áp suất khi đi máy bay, dị vật lọt vào tai, viêm tai ngoài, viêm tai giữa,… một số trường hợp khác như mọc răng khôn, hội chứng khớp thái dương hàm cũng gây đau tai, gọi là đau tai thứ phát (nguyên nhân xuất phát không phải từ tai). Đau tai có thể tăng nặng khi nhiễm trùng nặng hơn.

2. Ngứa tai


Nhiễm trùng tai bắt đầu với triệu chứng ngứa nhẹ ở ống tai, nếu để lâu tình trạng ngứa có thể lan vào ống tai trong và trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị.

3. Sưng và đỏ quanh tai (bên trong và bên ngoài)


Viêm tai quá mức có thể khiến các khu vực ở tai sưng, đỏ, cảm giác nóng rát và ngứa tai có thể xảy ra. Đặc biệt nếu người bệnh bị nhiễm trùng tai ngoài do dị ứng, chàm, viêm da cơ địa,..

4. Ù tai hay nghe có tiếng chuông trong tai


Đây là trường hợp người bệnh nghe thấy những âm thanh không tồn tại xung quanh họ. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị ù tai, nhưng người lớn tuổi có nhiều nguy cơ hơn. Bên cạnh nguyên nhân nhiễm trùng, ù tai còn có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác như bệnh Ménière, tổn thương tai trong, hoặc đơn giản là do ráy tai quá nhiều.

5. Chảy mủ tai


Người bệnh có thể thấy các chất dịch đặc màu trắng, vàng hoặc xanh chảy ra từ tai (tai giữa hoặc ống tai).

  • Trường hợp dịch chảy ra từ tai giữa, nếu kèm tình trạng thủng màng nhĩ, gọi là viêm tai giữa thủng nhĩ, gây chảy dịch nặng hơn và kèm theo các cơn đau dữ dội, bệnh dễ tái đi tái lại gây nên tình trạng mạn tính.
  • Trường hợp nhiễm trùng tai ngoài hoặc tai của vận động viên bơi lội, dịch viêm có thể tích tụ trong ống tai và chảy ra khỏi tai.

6. Sưng hạch cổ


Hạch là thành phần của hệ bạch huyết, nằm rải rác ở khắp nơi trong cơ thể như cổ, nách, xương đòn,… Khi tai bị nhiễm trùng, hạch phải hoạt động nhiều hơn để chống lại tác nhân gây bệnh, dẫn đến hiện tượng sưng hạch, tập trung ở các khu vực gần vị trí nhiễm trùng. Đôi lúc chỉ là sưng nhẹ các hạch vùng dưới hàm, dưới cằm, nhưng cũng có lúc hạch sưng to, có thể gây ứ mủ và cần phải thăm khám với bác sĩ.

7. Nhức đầu


Nhức đầu hay đau đầu thứ phát do nhiễm trùng tai là một triệu chứng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, khi cơn đau đầu dữ dội xuất hiện đột ngột, hoặc đau nặng hơn, kèm theo các triệu chứng bất thường như sốt, nôn mửa,.. người bệnh cần thăm khám y tế ngay.

8. Chóng mặt (mất thăng bằng)


Hệ thống tiền đình ngoại biên định vị ở cấu trúc tai trong, có chức năng kiểm soát sự cân bằng của cơ thể. Khi nhiễm trùng lan tới tai trong, người bệnh có thể gặp các cơn chóng mặt.

9. Mất thính lực tạm thời


Mất/giảm thính lực là tình trạng khó hoặc không nghe thấy âm thanh trong cuộc sống hàng ngày, xảy ra khi có sự tổn thương ở tai ngoài, tai giữa, ứ dịch tai giữa, rách màng nhĩ,…

Mức độ mất thính lực có thể từ nhẹ đến nặng, nhưng đa phần có thể hồi phục sau khi hết nhiễm trùng.

10. Các triệu chứng khác


Các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, giảm khả năng làm việc có thể xảy ra với mọi bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng tai ngoài liên quan tới các bệnh lý về da, mụt nhọt, mụn nước có thể mọc ở tai ngoài hoặc dọc theo ống tai.

11. Dấu hiệu nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh và trẻ em


Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thường chưa đủ nhận biết để diễn giải cơn đau của mình, chủ yếu qua các hành động như:

  • Trẻ thường xoa tai, kéo tai của mình.
  • Quấy khóc, cáu kỉnh.
  • Sốt cao, từ 38 – 40 độ C (một nửa số trẻ bị sốt do nhiễm trùng tai).
  • Thở bằng miệng hoặc ngáy nhiều hơn. Thở bằng miệng có thể là dấu hiệu của viêm vòm mũi họng (viêm VA). Dịch tiết hoặc vi khuẩn từ viêm VA có thể xâm nhập vào tai qua vòi eustache. Vì trẻ nhỏ có vòi ngắn và nằm ngang hơn, nên ở tư thế nằm, dịch tiết dễ dàng trào ngược lên, gây viêm tai giữa.
  • Biếng ăn có thể là triệu chứng xuất phát từ việc trẻ bị nhiễm trùng tai. Khi các hoạt động nhai, nuốt diễn ra, áp lực ở tai giữa thay đổi khiến trẻ đau nhiều hơn, từ đó bỏ ăn.
  • Một số trẻ sẽ kém phản ứng với âm thanh vì suy giảm thính lực. Ba mẹ có thể kiểm tra với các âm thanh của trẻ hàng ngày, xem trẻ có nhận biết và đáp lại các âm thanh đó không.

Làm gì khi bị nhiễm trùng tai?


Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tai sẽ khỏi trong vòng 3-5 ngày, tuy nhiên đôi khi các triệu chứng có thể kéo dài đến một tuần.(2)

  • Để cải thiện các triệu chứng ở nhà, người bệnh có thể:
  • Sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen.
  • Dùng ăn khăn ấm, ẩm để áp lên tai, và vệ sinh tai hàng ngày.
  • Vệ sinh các dịch tiết, dịch mủ, từ tai chảy ra nếu có bằng bông gòn, lau nhẹ nhàng bên ngoài ống tai.
  • Tuyệt đối không thọc sâu vào trong tai bằng bất kỳ vật dụng gì, kể cả khi ráy tai.
  • Hạn chế để nước, dầu gội tiếp xúc với các khu vực tai bị nhiễm trùng. Không đi bơi trong thời gian bị nhiễm trùng tai.
  • Không tự ý sử dụng thuốc thông mũi. Không có bằng chứng nào cho thấy có hiệu quả trong việc điều trị nhiễm trùng.
  • Khi các triệu chứng chưa ổn định, có thể nghỉ ngơi tại nhà và tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh.
  • Việc đi máy bay không chống chỉ định nhưng có thể khiến người bệnh nhiễm trùng tai cảm thấy đau đớn hơn, đặc biệt khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh. Nuốt nước bọt hoặc nhai kẹo cao su có thể hỗ trợ giảm đau, trường hợp trẻ nhỏ có thể ngậm núm vú giả để giảm bớt khó chịu khi đi máy bay.
triệu chứng nhiễm trùng tai
Đi máy bay có thể khiến người bệnh nhiễm trùng tai cảm thấy đau hơn.

Người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ khi có các triệu chứng như:

  • Sốt cao trên 38 độ;
  • Nhiễm trùng không thuyên giảm sau 2-3 ngày;
  • Nhiễm trùng tái đi tái lại;
  • Có dịch mủ, máu chảy ra từ tai;
  • Đau tai nghiêm trọng;
  • Người bệnh là người suy giảm miễn dịch hoặc trẻ nhỏ dưới 2 tuổi vì các đối tượng này dễ bị bị nhiễm trùng tai trở nặng.
thăm khám tai mũi họng
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị nhiễm trùng tai tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Bác sĩ điều trị nhiễm trùng tai sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, mức độ nghiêm trọng của bệnh, bản chất nhiễm trùng (nhiễm trùng lần đầu, hoặc tái đi tái lại), có sự ứ dịch ở tai giữa không,… Điều trị có thể là nội khoa (dùng thuốc) hoặc can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tai, sẽ gây ra đề kháng kháng sinh và đem lại nhiều nguy cơ hơn lợi ích nhận được.

Bên cạnh đó, các biện pháp như tiêm phòng cho trẻ đầy đủ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá có thể giúp phòng ngừa và hạn chế các tình trạng nhiễm trùng tai tăng nặng.

Để đặt lịch khám, và điều trị nhiễm trùng tai và các bệnh lý tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu nhiễm trùng tai ở trẻ nhỏ. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu điều trị không đúng cách, vệ sinh không đúng, tình trạng nhiễm trùng có thể tăng nặng và gây ra nhiều biến chứng cho trẻ.

Xem tiếp...
 
Top Bottom